Thay vì viết thư pháp trên giấy, lụa, anh Châu Việt Út (28 tuổi, Hà Nội) chọn “múa bút” trên quả vải. Tác phẩm kỳ công của anh khiến cộng đồng mạng trầm trồ.
Nhắc đến quả vải, người ta thường nhắc đến các món ăn, đồ uống, hoặc cắm bình thành hoa... Với Việt Út - chàng trai trẻ đam mê bộ môn thư pháp Việt, quả vải là chất liệu sáng tạo nên những tác phẩm thư pháp độc đáo.
Sau khi đăng tải bộ ảnh thư pháp trên quả vải thiều lên mạng xã hội, phía dưới bài đăng của anh nhanh chóng nhận được hàng ngàn lượt yêu thích, nhiều bình luận từ cộng đồng mạng bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú.
“Tôi vô tình được xem một bức ảnh về xu hướng đang hot bên Trung Quốc là viết thư pháp lên quả vải. Tôi nghĩ mình cũng có thể thực hiện dựa trên ý tưởng đó và thể hiện bằng ngôn ngữ là Tiếng Việt theo lối viết thư pháp chữ Quốc ngữ”, anh Việt Út cho biết.
Đặc điểm tự nhiên của quả vải là bề mặt vỏ ngoài rất sần sùi, phải bóc tách lớp vỏ sần, giữ lại lớp vỏ lụa mềm mại, láng mịn mới phù hợp cho việc viết chữ.
Anh Việt Út chia sẻ, bóc để giữ được nguyên vẹn lớp vỏ lụa của quả vải gợi lại kí ức tuổi thơ của không ít người mỗi lần tới mùa vải chín. Điều này làm tăng thêm niềm vui và ý nghĩa cho quá trình anh thực hiện tác phẩm thư pháp độc đáo của mình trên từng quả vải.
Vải được chọn để viết thư pháp là những quả tươi, căng mọng. Có thể chọn quả chín đỏ hay chín tới tuỳ thuộc vào nhu cầu cần nền lụa màu nâu hổ phách hay trắng.
Khi bóc vỏ sần, tay dùng nhíp thật nhẹ nhàng, khéo léo để đảm bảo giữ nguyên vẹn lớp lụa. Khi bóc, tạo được vùng viết rồi lại phải tỉ mỉ để tách những sợi gân trên vỏ ra.
“Nếu muốn làm cho nền vỏ lụa được đều màu, cần dùng một miếng bông tẩy trang thấm nhẹ nước và xoa đều khắp bề mặt vỏ lụa để nhựa vỏ vải nhuộm cho lớp lụa thành màu nâu trong như hổ phách. Khi xoa như thế, cũng đồng thời lấy đi những sợi gân vỏ còn sót lại”, anh Việt Út nói.
Đợi lớp vỏ lụa khô và se lại tạo được độ căng cho bề mặt thì mới bắt đầu viết. Khi viết cần di chuyển chậm để đầu bút lông chảy đều mực và mực có thời gian ngấm vào vỏ lụa. Bước đầu lấy một lượng mực vừa phải để định hình nét, sau đó tinh chỉnh lại cho thật tinh tế.
“Sử dụng mực tàu viết trên vỏ lụa gặp nhiều khó khăn vì nó khá loãng và cần phải đợi cho lớp vỏ lụa khô lại thì viết mới không bị nhoè. Để khắc phục lỗi này có thể thay bằng màu Acrylic”, anh Việt Út chia sẻ kinh nghiệm sau vài lần viết bị nhoè.
Các chữ anh chọn viết lên quả vải thường ngắn gọn, mang tính giáo dục và triết lí cao: nhẫn, đạo, tâm, an, bình… Công đoạn cuối cùng là đóng dấu lên lớp vỏ lụa. Đây là bước cần sự kết hợp lực tay nhịp nhàng: nếu nhẹ quá thì chu sa không bám lên vỏ lụa, mạnh quá thì lớp vỏ lụa dễ rách.
Thành quả sau hai tiếng cặm cụi cho mỗi quả vải là bức thư pháp với nét mực đen tuyền nổi trên nền vỏ lụa màu hổ phách, có chiều sâu, phân bố hình khối và dáng chữ mượt. Những bức thư pháp viết trên quả vải tỉ mỉ, cầu kì của anh Việt Út lan tỏa hình ảnh vừa truyền thống, sáng tạo giữa bộ môn thư pháp Việt và quả vải thiều - đặc sản Việt Nam.