Đúng 6h hàng nghìn ngôi chùa thỉnh chuông
laodong July 02, 2025 12:58 AM

Từ ngày 1.7.2025, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập, giảm số tỉnh thành từ 63 còn 34.
Đúng 6h sáng 1.7, hàng nghìn ngôi chùa, cơ sở tự viện trên khắp mọi miền Tổ quốc thỉnh chuông, trống cầu nguyện Quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà.
Theo ghi nhận của Lao Động tại chùa Trấn Quốc (phường Tây Hồ, Hà Nội) vào 6h sáng 1.7, trụ trì đã cử hành ba hồi chuông, trống Bát nhã cầu quốc thái dân an.
Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, ban đầu có tên là chùa Khai Quốc (nghĩa là Mở nước). Vào đời vua Lê Hy Tông (1681 - 1705), chùa được đổi tên thành Trấn Quốc và sử dụng đến tận ngày nay.
Chị Hồng Nhung (29 tuổi, Hà Nội) nói: "Tôi đã đến chùa Trấn Quốc từ 5 rưỡi sáng để kịp dự lễ thỉnh chuông trong ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp".
Tại chùa Duệ Tú (phường Nghĩa Đô, Hà Nội), đúng 6h sáng, những hồi chuông vang lên giữa không gian thanh tịnh. Đông đảo người dân có mặt tại đây để cùng chứng kiến giây phút linh thiêng nơi cổ tự có lịch sử từ thời Lý - đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128).
Ông Nguyễn Thế Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác MTTQ Việt Nam Tổ 1 (phường Nghĩa Đô, Hà Nội) cho hay: "Tại sân chùa Duệ Tú này, tôi cùng mọi người đến đây để nghe thỉnh chuông trong thời khắc thiêng liêng của toàn dân tộc. Đây là niềm tự hào, phấn khởi của một người dân Việt Nam, khi đất nước đã có sự chuyển mình, đổi mới".
Đoàn Thị Thanh Nhi, một người dân tại phường Nghĩa Đô, cho hay bản thân xúc động và tự hào khi nghe những hồi chuông của buổi sáng 1.7.
"Tôi khi biết tin 6h, các chùa trên cả nước sẽ lên 3 hồi chuông để chào mừng sự kiện này, chúng tôi đã có mặt ở đây và được lắng nghe hồi chuông ấy, trong giờ phút thiêng liêng, chúng tôi rất vui và xúc động", chị Nhi chia sẻ.
Từ chùa Quán Sứ - Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Trấn Quốc tại Hà Nội cho đến chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Tam Chúc (Ninh Bình)... vang lên những tiếng chuông linh thiêng. Sau lễ thỉnh chuông, trống Bát Nhã là lễ cầu nguyện Quốc thái Dân an, mưa thuận gió hoà.
Một số chùa, cơ sở tự viện sẽ cử chuông muộn hơn tùy theo lịch tổ chức lễ cầu nguyện vào buổi sáng.
Người dân, Phật tử và du khách có thể ghé thăm các ngôi chùa, cơ sở tự viện trên khắp cả nước để nhất tâm cầu nguyện, trải nghiệm những thời khắc quan trọng của lịch sử vào sáng 1.7.
Trước đó, theo văn bản do Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi các địa phương ngày 25.6, các ngôi chùa, cơ sở tự viện trên cả nước được đề nghị cử hành ba hồi chuông trống cầu quốc thái dân an vào đúng 6h sáng 1.7.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá đây là sự kiện lịch sử vô cùng đặc biệt trong tiến trình dân tộc bước vào kỷ nguyên mới phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Các chùa, cơ sở tự viện sẽ tụng kinh và tổ chức nghi lễ tâm linh cầu an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hoạt động này diễn ra vào đúng ngày các tỉnh, thành mới bắt đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập.
Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2021, Việt Nam có khoảng 18.000 - 20.000 ngôi chùa, tịnh xá, thiền viện, tịnh thất, niệm Phật đường, tu viện...
Việc các chùa, tự viện trên cả nước đồng loạt cử hành ba hồi chuông, trống Bát nhã cầu quốc thái dân an, tụng kinh… được thực hiện vào các ngày lễ trọng của đất nước, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7; lễ hội quan trọng như ngày rằm, mùng 1, lễ Phật đản, lễ Vu lan...

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.