
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Sau khi kết thúc các buổi thi, thí sinh ngỡ ngàng về độ khó của đề thi môn toán và môn tiếng Anh.
Khi mà kiến thức trong sách giáo khoa không đủ để trang bị cho học sinh "ứng phó" với đề thi sẽ dẫn đến việc dạy thêm, học thêm trở thành nhu cầu tất yếu.
Tôi cho rằng để giảm áp lực học thêm, Bộ GD-ĐT cần loại bỏ các câu hỏi đánh đố trong đề thi tốt nghiệp THPT cũng như không tiếp tục duy trì mục tiêu 2 trong 1 dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh ĐH. Vì để tăng độ phân hóa trong đề thi thì phải dùng những câu hỏi có độ khó cao, có khi câu hỏi trong đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh thành dẫn đến không công bằng với các thí sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 giảm số môn thi với hai môn thi bắt buộc và hai môn tự chọn. Điều đó đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ có ít lựa chọn đăng ký các ngành học yêu thích. Bên cạnh đó, các trường ĐH "nở rộ" các phương án tổ hợp xét tuyển vừa để tạo thêm cơ hội cho thí sinh nhưng khiến cho thí sinh choáng ngợp không biết lựa chọn thế nào là tốt nhất.
Đã đến lúc kỳ thi 2 trong 1 hoàn thành "sứ mệnh" để trả lại một kỳ thi tốt nghiệp THPT về đúng vai trò, chức năng của nó. Điều đó sẽ giúp Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đi đúng lộ trình và đề thi tốt nghiệp có thể đánh giá được chất lượng giáo dục, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai chứ không phải tiếc nuối vì những đề thi "đánh đố".
Ngành giáo dục cần nhìn lại cách đào tạo coi nặng điểm số, đánh giá sự thành công của một đứa trẻ qua việc biết đi tìm đáp số đúng, tìm câu trả lời do người khác đặt ra nhưng lại thiếu năng lực đặt câu hỏi cho chính mình.
Liệu rằng những câu hỏi "siêu khó", những "bài toán trí tuệ" trong đề thi tiếng Anh hay đề thi toán có mở ra điều gì cho thí sinh những hướng giải quyết trong cuộc sống hay làm tổn thương cho đứa trẻ vì nghĩ rằng mình kém cỏi?
Chúng ta không đòi hỏi sự dễ dãi trong cách đánh giá, trong cách ra đề nhưng cần sự cân bằng giữa việc học và việc thi cử.