Tên lửa phá boongke thế hệ mới của Ấn Độ sẽ mạnh hơn của Mỹ
GH News July 02, 2025 06:32 PM
Ấn Độ đang phát triển một loại tên lửa phá boongke mới được kỳ vọng vượt trội hơn cả bom GBU-57 của Mỹ sử dụng trong cuộc không kích nhằm vào Iran vừa qua.
Ấn Độ - Ảnh 1.

Ấn Độ đang phát triển phiên bản mới của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni-5 - Ảnh: X/@Kunal_Biswas707

Theo báo India Today, Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang chế tạo hai biến thể mới của tên lửa xuyên boongke Agni-5.

Đáng chú ý, các tên lửa này được trang bị đầu đạn quy ước nặng tới 7,5 tấn, có khả năng xuyên sâu từ 80m đến 100m dưới lòng đất - vượt trội hơn cả siêu bom GBU-57 của Mỹ được dùng trong vụ tấn công cơ sở hạt nhân Fordow (Iran) hôm 22-6.

Theo báo Hindustan Times, đây được xem là một bước đột phá trong nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ của Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, đồng thời thể hiện tham vọng bắt kịp công nghệ bom xuyên boongke của Mỹ.

Hai biến thể mới bao gồm: một loại mang đầu đạn nổ trên không (airburst) để tấn công các mục tiêu mặt đất; loại còn lại là tên lửa xuyên phá lòng đất (ground-penetrating), được thiết kế đặc biệt để xuyên qua nhiều lớp bê tông cốt thép trước khi phát nổ.

Mặc dù có tầm bắn ngắn hơn phiên bản gốc của Agni-5 (chỉ khoảng 2.500km so với 5.000km), các phiên bản mới này lại sở hữu đầu đạn quy ước mạnh nhất từng được phát triển tại Ấn Độ, được kỳ vọng có sức công phá tương đương hoặc lớn hơn loại bom xuyên boongke lớn nhất thế giới GBU-57 của Mỹ.

Các tên lửa này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc vô hiệu hóa các trung tâm chỉ huy, kho vũ khí, trạm radar và cơ sở hạt nhân ngầm của những đối thủ như Trung Quốc và Pakistan - vốn đang xây dựng nhiều cơ sở ngầm kiên cố dọc biên giới.

Ngoài ra, khác với bom GBU-57 cần được triển khai bằng máy bay ném bom hạng nặng, phiên bản mới của Agni-5 sẽ được phóng từ mặt đất, giúp tăng tính linh hoạt và giảm chi phí triển khai.

Với tốc độ có thể đạt từ Mach 8 đến Mach 20, Agni-5 mới thuộc nhóm vũ khí siêu thanh, mang lại lợi thế đáng kể về tốc độ và khả năng tấn công chính xác.

Theo trang tin Bhaskar, Ấn Độ cũng đang triển khai song song kế hoạch phóng 52 vệ tinh quốc phòng đặc biệt trước năm 2029, nằm trong giai đoạn 3 của chương trình “Giám sát dựa trên không gian” (SBS-3).

Các vệ tinh này sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), bay ở độ cao 36.000km và tạo thành mạng lưới giám sát liên tục khu vực biên giới Pakistan - Trung Quốc. Kế hoạch này có tổng ngân sách khoảng 3,2 tỉ USD, đã được Nội các Ấn Độ phê duyệt từ tháng 10-2024.

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.