
Rác nổi trắng sông Tô Lịch sau trận mưa lớn - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trưa 3-7, khu vực nội thành Hà Nội đang có mưa vừa, mưa to đến rất to. Mưa dông kèm sét đánh liên hồi ở khu vực trung tâm Hà Nội.
Sau cơn mưa lớn, một số tuyến đường tại Hà Nội ngập nhẹ, một số cây xanh bị gãy cành vì mưa to, gió lớn.

Rác nổi lềnh bềnh, ken kín mặt nước của sông Tô Lịch - Ảnh: PHẠM TUẤN
Sau trận mưa, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nước sông Tô Lịch dâng cao hơn so với trước đó. Điều đáng nói, nước dâng kèm theo rất nhiều rác thải từ thượng nguồn trôi về phía hạ nguồn.
Cụ thể, theo ghi nhận tại sông Tô Lịch đoạn từ Hoàng Quốc Việt chảy tới khu vực đường Trần Duy Hưng, thời điểm 12h trưa 3-7, rác nổi trắng mặt sông. Thùng xốp, chai nhựa, rác thải, túi ni lông nổi lềnh bềnh, ken kín mặt nước sông Tô Lịch, theo dòng lũ lượt đổ về phía hạ nguồn.

Thùng xốp, chai nhựa, rác thải, túi ni lông nổi đầy mặt sông - Ảnh: PHẠM TUẤN
Đi qua đoạn sông Tô Lịch đúng thời điểm rác nổi đầy mặt sông, chị Nguyễn Thị Tâm (35 tuổi) ngỡ ngàng: "Ôi trời ơi, rác đâu ra mà nhiều như thế này, khủng khiếp quá, cứ như thế này người dân ở hạ nguồn lãnh đủ".

Rác theo dòng nước đổ về phía hạ nguồn sông Tô Lịch - Ảnh: PHẠM TUẤN
Hiện Hà Nội đang thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp để "cứu" sông Tô Lịch, trước mắt đang tiến hành xây đập dâng và nạo vét lòng sông.
Việc nạo vét lòng sông do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - HSDC đảm nhiệm và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 20-8.
Tuy nhiên, với lượng rác ồ ạt phủ trắng sông Tô Lịch như trên thì đến bao giờ sông Tô Lịch mới được "cứu" đang là một câu hỏi chưa có lời giải.
Sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ - đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì).
Trung bình sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m³ nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông.

Nhiều người dân đặt câu hỏi rác từ đâu ra mà nổi trên mặt sông Tô Lịch nhiều như thế? - Ảnh: PHẠM TUẤN

Mưa lớn kèm gió cũng khiến một số cành cây ở Hà Nội gãy đổ - Ảnh: PHẠM TUẤN
Dữ liệu của Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia (Cục Khí tượng thủy văn) cho thấy trong khoảng một giờ đồng hồ qua, sét đánh nhiều ở khu vực Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận.
Cơ quan khí tượng dự báo trong khoảng 3-6 giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to, với lượng mưa phổ biến trong khoảng 20-40mm, có nơi trên 60mm.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo ngày và đêm 3-7, khu vực Đông Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 80mm.
Chiều và đêm 3-7, khu vực Tây Bắc Bộ, từ Quảng Trị đến Lâm Đồng có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 70mm.
Ở khu vực Nam Bộ chiều và tối nay có nơi mưa to, với lượng mưa trên 50mm.
Trong mưa dông khả năng có lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Mưa lớn cục bộ khả năng gây lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố với độ sâu phổ biến 15-20cm, một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu 20-40cm bao gồm Thái Hà, Lê Duẩn, Chùa Bộc, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Huỳnh Thúc Kháng, Cao Bá Quát, Đội Cấn, Vương Thừa Vũ, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Bùi Xương Trạch, Cự Lộc, Triều Khúc...
Trong đợt mưa này, các tuyến phố chỉ ngập trong thời gian xảy ra mưa cường độ lớn và sớm tiêu thoát hết sau khi mưa kết thúc 30-60 phút.