
Quy định mới về hoạt động kinh doanh bảo hiểm giúp khách hàng giảm rủi ro bị đại lý bảo hiểm lừa dối trong khâu tư vấn, củng cố nhiều quyền lợi - Ảnh: BÔNG MAI
Nhiều quy định mới trong nghị định 46 và thông tư 67 chính thức có hiệu lực từ tháng 7-2025, kéo theo hàng loạt thay đổi đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.
Điều này được kỳ vọng sẽ siết chặt trách nhiệm của đại lý, minh bạch hóa thông tin sản phẩm và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm, trong bối cảnh thị trường từng vấp phải nhiều lùm xùm liên quan đến tư vấn sai lệch và tranh chấp hợp đồng thời gian qua.
Khó lập lờ, tăng bảo vệ khách hàng
Bà Hồ Thị Ngọc Như - trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) - cho biết đối với khách hàng, nhiều điểm tích cực được ghi nhận thông qua các quy định mới.
Trước hết, sản phẩm bảo hiểm rõ ràng hơn khi phí các quyền lợi chính như tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn được tách biệt, không còn gộp chung với phí sản phẩm bổ trợ vào dòng tiền tích lũy. Điều này giúp khách hàng hiểu rõ quyền lợi của mình, tránh nhầm lẫn khi tham gia.
Một điểm mới đáng chú ý là khách hàng được linh hoạt hơn trong đóng phí, từ năm thứ 5 trở đi, nếu gặp khó khăn tài chính vẫn có thể duy trì hợp đồng mà không mất quyền lợi. Quy định cũng giới hạn mức khấu trừ phí ban đầu không quá 150% phí cơ bản quy năm trong 10 năm đầu, và bằng 0 từ năm thứ 10, giúp bảo vệ giá trị tài khoản.
Doanh nghiệp không được tự ý trừ phí sản phẩm bổ trợ từ giá trị hợp đồng, tránh làm hợp đồng mất hiệu lực sớm.
Ngoài ra, một số điều thông tư 67 có hiệu lực từ tháng này, giúp khách hàng được bảo vệ tốt hơn trước các rủi ro do đại lý cố tình tư vấn sai, hoặc dẫn dụ coi bảo hiểm như một kênh đầu tư sinh lời.
Các quy định mới cũng hạn chế tình trạng doanh nghiệp từ chối chi trả vì lý do kê khai tiền sử bệnh ngoài ba năm, một điểm thường gây tranh cãi thời gian qua.
Những trường hợp chỉ cung cấp hợp đồng online hoặc không giao hợp đồng giấy bị loại bỏ hoàn toàn.
Thay vào đó, khách hàng sẽ được cung cấp bộ hợp đồng giấy bản cứng kèm bản tóm tắt đầy đủ về quyền lợi, điều khoản loại trừ và trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, khách hàng cần chú ý việc đóng phí đúng hạn đối với sản phẩm bổ trợ, đặc biệt khi sử dụng quyền lợi linh hoạt, nếu không sẽ dễ dẫn đến việc mất hiệu lực sản phẩm bổ trợ.
Đại lý bảo hiểm vào thời kỳ thanh lọc, buộc nâng cao kiến thức
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - thành viên Hội Luật gia Việt Nam - nhận định theo quy định mới, từ nay các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ sẽ không còn được thiết kế theo kiểu "combo" (gói chung) nhiều quyền lợi như trước.
Thay vào đó, sản phẩm chính chỉ bao gồm quyền lợi tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Những quyền lợi khác như bệnh hiểm nghèo sẽ được tách ra, trở thành các sản phẩm bổ trợ riêng biệt.
Điều này đồng nghĩa với việc đại lý bảo hiểm phải có năng lực tư vấn cao hơn, đủ khả năng hiểu và kết hợp nhiều sản phẩm bổ trợ phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Không còn chuyện một hợp đồng giống nhau cho mọi khách hàng, ôm đồm tất cả quyền lợi theo kiểu "thập toàn đại bổ" như trước đây.
Trên thực tế, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ chỉ cung cấp một số sản phẩm bổ trợ nhất định, có thể không đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Do đó, người đại lý cũng cần trang bị thêm kiến thức về các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, để có thể đưa ra tư vấn toàn diện hơn.
Rõ ràng quy định mới buộc đội ngũ đại lý phải chuyên nghiệp, am hiểu sản phẩm, tư vấn đúng nhu cầu thực tế từng khách hàng. Hạn chế lập lờ về dòng tiền, quảng bá bảo hiểm "trá hình" sổ tiết kiệm đầu tư lãi cao.
Những người không đủ khả năng tư vấn sẽ khó tồn tại trong ngành. Cuộc đại thanh lọc này là cần thiết để thị trường bảo hiểm lành mạnh hơn, giúp đại lý chân chính có chỗ đứng vững vàng.