
Minh họa
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 1-7
Tin tức từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 nêu rõ mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong đó, tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được xác định gồm 3% trên tiền lương làm căn cứ đóng vào quỹ ốm đau và thai sản và 22% trên tiền lương làm căn cứ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Tổng cộng tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25% trên tiền lương làm căn cứ đóng.

Tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội giữa người lao động và người sử dụng lao động - Ảnh: BHXH VN
Về phương thức và thời gian đóng, người lao động đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Trường hợp hưởng lương theo sản phẩm hoặc khoán trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có thể đóng hằng tháng, 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần.
Trong khi đó, người sử dụng lao động có thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo nếu chọn đóng hằng tháng hoặc ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng nếu đóng 3 tháng/lần, 6 tháng/lần.
Cần thiết siết chặt hoạt động cho thuê căn hộ ở ngắn ngày
Trong báo cáo công bố mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng việc sử dụng căn hộ để cho thuê lưu trú ngắn hạn còn tạo cạnh tranh thiếu công bằng trên thị trường lưu trú, nhất là so với các mô hình chuyên nghiệp như khách sạn, condotel.
Theo đó, hoạt động cho thuê căn hộ lưu trú ngắn hạn lại phần lớn diễn ra tự phát, không chịu nhiều ràng buộc pháp lý, giúp giá thuê các căn hộ ngắn hạn thường có tính cạnh tranh cao hơn.

Phần lớn hoạt động cho thuê ngắn ngày hiện nay không đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.
Do đó, VARS cho rằng việc siết chặt hoạt động lưu trú ngắn hạn tại các chung cư để ở, phân định rõ ràng giữa "nhà ở" và "kinh doanh" là cần thiết.
VARS cũng đề xuất Nhà nước cần sớm nghiên cứu, ban hành các quy định pháp lý cụ thể đối với hoạt động cho thuê căn hộ lưu trú ngắn hạn.
Chủ sở hữu căn hộ muốn cho thuê căn hộ phục vụ lưu trú ngắn hạn phải cam kết không để ảnh hưởng và phải được sự đồng thuận của nhóm cư dân đang sinh sống ổn định tại chung cư.
Đối với những mô hình vẫn tiếp tục hoạt động, cần có cơ chế quản lý nghiêm ngặt như đăng ký kinh doanh, khai báo tạm trú, tuân thủ quy định về thuế và tiêu chuẩn vận hành tương tự các loại hình lưu trú hợp pháp.
Chủ tịch Công ty Dịch vụ sân bay quốc tế Cam Ranh bất ngờ từ chức
Công ty cổ phần Dịch vụ sân bay quốc tế Cam Ranh vừa cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Trần Quốc Hùng - chủ tịch HĐQT.
Trong đơn, ông Hùng cho biết xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Ông Hùng, sinh năm 1982, được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT từ tháng 4 năm ngoái, thay cho ông Trương Minh Hoàng sau khi ông Hoàng từ nhiệm.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm đảm nhiệm, ông Hùng bất ngờ nộp đơn xin rút khỏi cả vị trí chủ tịch lẫn thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Công ty Dịch vụ sân bay quốc tế Cam Ranh có trụ sở tại Khánh Hòa, vốn điều lệ gần 200 tỉ đồng. Về tình hình kinh doanh, công ty báo lãi sau thuế hơn 3,37 tỉ đồng trong quý 1-2025, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 1,1 tỉ đồng.
Hodeco rút khỏi dự án khu du lịch Đại Dương
Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco - HDC) vừa thông báo Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương Vũng Tàu không còn là công ty liên kết của doanh nghiệp này.
Theo đó, Hodeco đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương Vũng Tàu.
Trước đó, ngày 1-7, HĐQT Hodeco đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng hơn 24,1 triệu cổ phần, tương đương 37,37% vốn Đại Dương Vũng Tàu, cho Công ty CP tư vấn, đầu tư và thương mại Tân Cương hoặc tổ chức, cá nhân do Tân Cương chỉ định.
Bên cạnh đó, HĐQT Hodeco cũng phê duyệt việc tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng gần 6,4 triệu cổ phần còn lại (tỉ lệ 9,9%) tại Công ty Đại Dương Vũng Tàu cho một đối tác khác.
Được biết, Công ty CP đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương Vũng Tàu là chủ đầu tư dự án khu du lịch Đại Dương (tên thương mại là Antares) tại TP Vũng Tàu.
TP.HCM báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý thuốc, thực phẩm chức năng và sữa giả
Từ ngày 19-5 đến 31-5, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra 15 cơ sở, trong đó có 13 cơ sở bán buôn thuốc, 2 cơ sở bán lẻ thuốc chưa phát hiện cơ sở kinh doanh sản phẩm giả, nhưng ghi nhận 4 cơ sở có một số hành vi vi phạm, phạt tổng số tiền hơn 258 triệu đồng.

Ảnh minh họa
Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng tổ chức đoàn kiểm tra, xử lý 1 vụ vi phạm về kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ (đã tạm giữ 18 hộp thuốc trị bệnh dạ dày trị giá 16,8 triệu đồng) và mua, bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Sở An toàn thực phẩm TP đã kiểm tra 273 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở vi phạm với số tiền là 270 triệu đồng;
Đình chỉ hoạt động có thời hạn 1 cơ sở, buộc thu hồi sản phẩm thực phẩm bổ sung "Hi Canxi" (hiệu Goldmilk), Sure (hiệu Gold Beta) và bột sữa dinh dưỡng Vita Nutri Diabetic Gold.
Sở Văn hóa và Thể thao đã kiểm tra, xử lý 5 trường hợp vi phạm trong thực hiện quảng cáo ngoài trời, với số tiền xử phạt 120 triệu đồng.
Trong đó, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ quảng cáo T.Đ. bị phát hiện hành vi "không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo" liên quan đến quảng cáo sữa có nội dung "Milo kết hợp với sữa mát A2".

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 4-7. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết hôm nay 4-7

Con nước về - Ảnh: HUỲNH MỸ THUẬN