Viết tiếp bản hùng ca nhà giàn DK1
GH News July 05, 2025 04:32 PM
Hôm nay kỷ niệm 36 năm Ngày nhà giàn DK1, tính từ cột mốc chỉ thị 180 ngày 5-7-1989 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định thành lập Trạm Dịch vụ - kinh tế - khoa học - kỹ thuật thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Viết tiếp bản hùng ca nhà giàn DK1 - Ảnh 1.

Chuyển hàng vào nhà giàn DK1 mùa gió bão là cả kỳ công, đánh vật giữa biển cả - Ảnh: M.THẮNG

Chặng đường 36 năm đầy gian khó nhưng vô cùng vinh quang. Những hy sinh thầm lặng của thế hệ cha anh hôm qua đang được cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 chúng tôi hôm nay tiếp bước, noi theo và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền bằng mọi giá.
Thiếu tá LÊ ĐÌNH TIẾN (chính trị viên nhà giàn DK1/10)

Hôm nay kỷ niệm 36 năm Ngày nhà giàn DK1, tính từ cột mốc chỉ thị 180 ngày 5-7-1989 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định thành lập Trạm Dịch vụ - kinh tế - khoa học - kỹ thuật thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (gọi tắt là DK1) ra đời.

Tồn tại với tư cách là chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển, 36 năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đã nối tiếp nhau viết nên truyền thống vẻ vang "Kiên cường dũng cảm, vượt mọi khó khăn, đoàn kết kỷ luật, giữ vững chủ quyền".

Thuyền gỗ, sào tre dựng nhà giàn giữa biển

Thuyền trưởng tàu gỗ HQ-668, thượng úy Nguyễn Tiến Cường, nhớ như in câu chuyện của gần 37 năm trước, khi con tàu gỗ "lá tre" của hải đội 811 Lữ đoàn 171 hải quân vượt đại dương ra vùng biển Phúc Tần xây dựng nhà giàn DK1/3. Gọi tàu gỗ của hải đội 811 là tàu "lá tre" vì nó bé quá, chỉ đủ chở người cùng một ít vật liệu.

Ngày ấy cũng không có thiết bị hiện đại đo độ sâu nước biển. Ông Cường nhớ họ đã dùng dây thừng thắt nút, một đầu buộc vào hòn đá lớn thả xuống biển, khi kéo lên rồi lấy thước đo, cứ nước biển ngấm đến đâu thì đánh dấu độ sâu đến đó.

"Vùng biển Phúc Tần nước chảy rất xiết. Mấy cây sào tre 8 - 10m đưa xuống định đo độ sâu liền bị gãy đôi và bị nước cuốn trôi", cựu binh Nguyễn Tiến Cường nhớ lại.

Với ông lại còn có tình huống éo le. Bởi ngay trước ngày lên tàu đi đóng nhà giàn DK1, vợ ông sinh con gái đầu lòng.

Chân bước đi mà nghẹn lòng, nuốt nước mắt vào trong. Chính vợ dù rơi nước mắt nhưng lại động viên chồng: "Anh đi đi, ở nhà có em lo, cứ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ đừng lo gì cả".

Đi đóng nhà giàn Phúc Tần ngày ấy còn có trung tá Trần Xuân Vọng, nguyên chỉ huy trưởng hải đoàn 129.

Nay đã ngoài 80 song ký ức kiêu hãnh về ngày ông chỉ huy tàu kéo vật liệu xây dựng chân đế nhà giàn ra bãi cạn Phúc Tần mãi không thể quên.

"Cực lắm", ông Vọng nói rồi cho biết thêm: "Bước xuống tàu ngoảnh lại nhìn bờ cảng chỉ muốn khóc vì không biết điều gì sẽ xảy ra, sóng gió bất thường nhưng niềm tin và bản lĩnh người lính thôi thúc mình phải lên đường".

nhà giàn DK1 - Ảnh 3.

Chiến sĩ trẻ Đoàn Trung Tín canh gác nhà giàn Ba Kè - DK1/20 - Ảnh: M.THẮNG

Lớp lớp chiến sĩ vẫn tiến lên

Hành trình 36 năm vẫn đang được lớp lớp cán bộ chiến sĩ hôm nay tiếp nối đi xây nhà giàn DK1 ngày càng vững mạnh. 14/15 nhà giàn hiện đã được nâng cấp theo "thế hệ 2 thân" vững chắc.

Dù đời sống đã được cải thiện rất nhiều so với trước nhưng khó khăn thách thức thì chưa bao giờ vơi mà rau xanh và nước ngọt vẫn được xếp vào nhóm mặt hàng hiếm hoi.

Quân nhân chuyên nghiệp radar nhà giàn DK1/15, thượng úy Trần Đức Cảnh, chia sẻ chặng đường 36 năm đủ để khẳng định sự cống hiến, hy sinh. Anh nói 13 cán bộ, chiến sĩ đã nằm xuống là minh chứng cho sự cống hiến và quyết tâm giữ vững các cột mốc chủ quyền.

Có chiến sĩ hy sinh giữa thời bình mà đến nay sau gần hai năm vẫn chưa tìm thấy tông tích gì. "Mỗi nhà giàn DK1 là một cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt mà chúng tôi được vinh dự như những "bia chủ quyền sống" trên những cột mốc đặc biệt ấy", thượng úy Cảnh nói.

Còn trung tá Nguyễn Trung Đức, bí thư Đảng ủy - chính trị viên Tiểu đoàn DK1, nói: "Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 khẳng định vị thế "pháo đài thép" giữa trùng khơi, trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bản lĩnh thép và tinh thần tận trung với Tổ quốc, xứng với niềm tin mà Đảng, quân đội và nhân dân gửi gắm nơi tuyến đầu".

Đã có nhiều ca khúc về hành trình kiêu hãnh của nhà giàn DK1.

Trong đó, thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, cựu binh - chủ nhiệm nhà văn hóa Vùng 2 hải quân, đã khắc họa trong ca khúc Tâm tình người chiến sĩ nhà giàn mà bộ đội nhà giàn DK1 xem như bản hùng ca với những câu thế này: Người chiến sĩ nhà giàn vẫn kiên cường trong bão dông, dù gian khó không sờn lòng, hiến dâng tuổi xanh sá chi... như mỗi cán bộ, chiến sĩ đang hiến trọn thanh xuân cho DK1.

"Không hối tiếc nếu hy sinh cho Tổ quốc"

Cựu chỉ huy trưởng Lữ đoàn 171 và chịu trách nhiệm cao nhất khi đóng nhà giàn DK1 đầu tiên, đại tá Phạm Xuân Hoa, kể sau sự kiện năm 1988, việc xây dựng nhà giàn DK1/3 được triển khai rất gấp rút.

Ông cùng đồng đội xuống tàu HQ-713 khẩn cấp ra bãi cạn Phúc Tần ngày 6-11-1988. Thời điểm đó sóng to gió lớn và thường xuyên xuất hiện những cơn lốc bất thường trên biển nhưng họ ra đi với sứ mệnh thiêng liêng.

Trong ký ức của ông Hoa, đi nhà giàn DK1 ngày ấy không khác gì ra trận và xác định có thể hy sinh nhưng họ vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Biển cả mênh mông, tàu hải quân khi đó rất nhỏ bé, khí hậu thời tiết khắc nghiệt còn điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn. Nhưng cùng cực nhất là thương nhớ gia đình!

"Hơn hai tháng giữa biển chẳng có chút thông tin nào của đất liền. Chiếc radio là phương tiện duy nhất nhưng hầu như không nghe được gì vì sóng to gió lớn.

Thật sự nhiều suy nghĩ lắm, lỡ mình hy sinh ai nuôi vợ con, rồi sự nghiệp thế nào, có thấy được nhà giàn đâu. Song khi trấn tĩnh lại, ai cũng nghĩ nếu phải hy sinh cho Tổ quốc cũng không có gì hối tiếc", ông Hoa trải lòng.

Tầm nhìn Giáp Văn Cương

Việc xây dựng nhà giàn DK1 trên các bãi san hô ngầm ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được xác định là nhiệm vụ cực kỳ đặc biệt và phải làm càng nhanh càng tốt.

Nơi đây không chỉ khai thác đánh bắt thủy hải sản mà còn có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng trong khai thác dầu khí của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro).

Năm 1988, Thượng tướng Giáp Văn Cương, tư lệnh Quân chủng Hải quân, xác định phải nhanh chóng khảo sát xây dựng nhà cao chân trên các bãi cạn san hô ngầm ngoài thềm lục địa với hai lý do.

Thứ nhất, nhà giàn DK1 là điểm tựa cho rất nhiều tàu cá của ngư dân.

Thứ hai, nhà giàn DK1 xen kẽ nhau trên các bãi san hô ngầm tạo thành một vành đai thép, vừa ngăn chặn việc xâm lấn của nước ngoài vừa bảo vệ các giàn khoan dầu khí của Vietsovpetro.

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.