3 không khi ăn ngao
vietnamnet July 05, 2025 05:42 PM
Có giá trị dinh dưỡng cao, ngao là lựa chọn tốt cho tim mạch nếu được chế biến đúng cách. Ngoài ra, một số người cũng nên tránh loại hải sản này.
Ngao chứa nhiều protein nạc, ít chất béo, cung cấp lượng vitamin B12 phong phú cần thiết cho chức năng thần kinh và quá trình tạo hồng cầu. Ngao cũng giàu sắt, phòng ngừa thiếu máu, có axit béo omega-3 hỗ trợ tim và não khỏe mạnh; kẽm và selen - hai khoáng chất quan trọng cho hệ miễn dịch, chống oxy hóa. Để thu được tối đa lợi ích của ngao, bạn cần lưu ý 3 điểm sau:
Không chế biến món ăn từ ngao đã chết 
​Chế biến món ăn từ ngao đã chết là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm từ hải sản. Ngao (cũng như các loại nhuyễn thể như sò, hàu) rất dễ hỏng. Khi ngao chết, các mô bên trong sẽ nhanh chóng phân hủy, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh.
Bạn nên chọn những con ngao có vỏ cứng, ngậm chặt miệng, cầm nặng tay. Nếu ngao nhẹ tênh, dùng tay tách ra dễ dàng là ngao đã chết. Đối với những con ngao há miệng, nếu bạn chạm tay vào, chúng ngậm miệng lại thì chứng tỏ còn sống. Bạn cũng nên loại bỏ các con đã nứt hoặc vỡ vỏ. Nguyên tắc vàng khi xử lý hải sản là: "Nếu nghi ngờ, hãy bỏ đi", đừng vì tiếc vài con mà đánh đổi sức khỏe.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), ăn ngao chết có thể gây buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt và trong trường hợp nặng dẫn đến biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với người có hệ miễn dịch yếu.
Không nấu ngao quá chín​
Nhiều người lo ngại việc ăn hải sản chưa chín kỹ - điều này là chính xác. Tuy nhiên, nấu ngao quá chín cũng là một sai lầm. Khi ngao bị nấu quá lâu, cấu trúc protein trong thịt ngao sẽ co rút quá mức khiến thịt dai, khô và khó ăn. Điều này không chỉ làm mất hương vị mà còn làm giảm giá trị dinh dưỡng vốn có của món ăn.
Nấu ngao quá lâu ở nhiệt độ cao có khả năng phá vỡ các vitamin nhóm B (đặc biệt là vitamin B12), phân hủy chất béo omega-3 có lợi cho tim mạch và chống viêm, đồng thời khiến một số khoáng chất như sắt và selen tuy còn tồn tại nhưng khó hấp thụ hơn vào cơ thể.
Cách tốt nhất để nấu ngao là hấp, vì dễ kiểm soát nhiệt độ và thời gian; chỉ cần đun sôi nước, cho ngao vào nồi, đậy nắp và hấp ở lửa vừa khoảng 5-10 phút, khi ngao vừa mở vỏ nên vớt ra ngay để tránh bị dai.
Ai không nên ăn ngao? ​
- Người bị dị ứng hải sản: Những người dị ứng với hải sản tuyệt đối không nên ăn ngao. Dị ứng có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng như nổi mề đay, sưng phù, khó thở, thậm chí là sốc phản vệ.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu: Bệnh nhân ung thư, người ghép tạng, người nhiễm HIV/AIDS dễ bị nhiễm khuẩn vibrio vulnificus - một loại vi khuẩn có thể tồn tại trong ngao sống hoặc chưa nấu chín.
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ đang mang thai cần ăn ngao nấu chín hoàn toàn và lượng hợp lý vì ngao sống chứa vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại cho thai nhi.
- Người mắc bệnh gan hoặc tiểu đường: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, người mắc bệnh gan, tiểu đường hoặc ung thư có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nghiêm trọng nếu ăn ngao chưa chín kỹ.
- Trẻ nhỏ: Hệ miễn dịch của các bé (đặc biệt nhóm dưới 5 tuổi) còn non yếu, rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Nếu muốn cho trẻ ăn ngao, cần đảm bảo ngao được nấu chín kỹ và chia thành khẩu phần phù hợp với độ tuổi. 
 
© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.