
Bé trai T.N.M.K. (12 tuổi, ngụ TP.HCM) bị sốc sốt xuất huyết trên cơ địa dư cân với cân nặng 83kg - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Ngày 7-7, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), cho biết vừa tiếp nhận điều trị bé trai T.N.M.K. (12 tuổi, ngụ TP.HCM) bị sốc sốt xuất huyết trên cơ địa dư cân béo phì với cân nặng 83kg (ở lứa tuổi này cân nặng khoảng 34 - 36kg).
Khai thác bệnh sử ghi nhận bé K. sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, bé bị đau bụng, ói ra dịch lợn cợn nâu, tay chân lạnh nên người nhà đưa đi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Tại đây, bé K. được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 4, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng trên trẻ dư cân béo phì.
Các bác sĩ cho bệnh nhi truyền dịch cao phân tử dextran 40 10%, albumin 10%, chống sốc, dùng các thuốc vận mạch phối hợp, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, thở máy không xâm nhập.
Tuy nhiên bệnh nhi vẫn rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nên được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan.
Kết quả sau gần 7 ngày điều trị, bệnh nhi bình phục dần, tỉnh táo, tự thở khí trời, chức năng gan thận trở về bình thường.
Tham khảo y văn thế giới và qua điều trị nhiều ca sốc sốt xuất huyết, các bác sĩ nhận thấy các trường hợp thường diễn tiến nặng, bất thường, gây khó khăn trong điều trị như: trẻ cơ địa dư cân béo phí, trẻ nhũ nhi, biểu hiện sốc sốt xuất huyết sớm (ngày 3, 4 của bệnh), tình trạng cô đặc máu nhiều...
Qua trường hợp trên, bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh nên cho trẻ đi khám sớm khi có biểu hiện sốt cao trên 2 ngày để được các bác sĩ thăm khám, xác định bệnh chính xác và có kế hoạch điều trị cụ thể.
Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa ngay đến bệnh viện kể cả trong đêm, gồm: bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, đau bụng, ói, tay chân lạnh, lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống...
Bác sĩ Tiến cũng lưu ý phụ huynh cần quan tâm chế độ ăn hợp lý theo lứa tuổi, tốt nhất được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn để tránh nguy cơ dư cân béo phì vì việc điều trị sốt xuất huyết ở những trẻ này rất khó khăn, dễ bị biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan thận…
Chủ động thực hiện các biện pháp phòng sốt xuất huyết
Sở Y tế TP.HCM kêu gọi mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết, bao gồm: đậy kín vật dụng chứa nước, dọn dẹp vệ sinh, loại bỏ các ổ nước, rác thải quanh nhà; ngủ mùng và sử dụng các biện pháp đuổi muỗi.
Khi có triệu chứng sốt, người dân cần đến cơ sở y tế khám bệnh, không tự điều trị tại nhà. Đồng thời phối hợp tích cực với ngành y tế trong các đợt diệt lăng quăng, phun hóa chất.
Hiện nay đã có vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn.