
Người dân xây nhà ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) - Ảnh: TỰ TRUNG
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, Sở Xây dựng TP.HCM vừa công bố 112 dự án đủ điều kiện miễn giấy phép xây dựng. Việc miễn giấy phép xây dựng ở các dự án này đang được kỳ vọng giúp giảm bớt thủ tục, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng thủ tục hoàn công liệu có còn cần thiết không, khi công trình đã xây dựng theo mẫu nhà duyệt sẵn, nằm trong quy hoạch rõ ràng và được giám sát từ đầu?
Nhiều bạn đọc đã chia sẻ quan điểm trái chiều xung quanh đề xuất có nên bãi bỏ thủ tục hoàn công.
Bỏ hoàn công để giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí
Một số bạn đọc cho rằng thủ tục hoàn công hiện nay không còn cần thiết, bởi quá trình xây dựng đã có quy định, giám sát cụ thể. Bên cạnh đó, việc thực hiện hoàn công phát sinh nhiều chi phí, thủ tục nhiêu khê và gây khó khăn cho người dân khi xin cấp giấy chủ quyền.
Bạn đọc Út Ngưng phản ánh hiện nay nhiều người dân phải thuê đơn vị làm dịch vụ để lập bản vẽ hoàn công, chi phí có thể lên tới gần 20 triệu đồng.
Theo bạn đọc, việc xác nhận hiện trạng nên để thanh tra xây dựng kết hợp thực hiện cùng cán bộ kiểm tra và người lập bản vẽ.
Nếu công trình không thay đổi so với bản vẽ đã đăng ký, chỉ cần in bản sao để xác nhận. Nếu có thay đổi, cần đo vẽ lại theo thực tế nhưng phải có quy trình rõ ràng.
Đồng tình, bạn đọc Tuấn Hải cho rằng nếu phát hiện sai phạm, có thể xử phạt chủ nhà và đơn vị tư vấn thiết kế ngay trong quá trình xây dựng, thậm chí buộc tháo dỡ nếu vi phạm nghiêm trọng. Việc chờ đến lúc hoàn công mới xử lý là quá muộn, khi mọi việc đã rồi.
Về tính hiệu quả, bạn đọc Trần Hưng nêu rõ: thủ tục hoàn công gồm nhiều bước, nhưng nhà xây sai phép, sai quy hoạch vẫn phổ biến. Điều đó cho thấy hoàn công không có nhiều tác dụng răn đe hay ngăn chặn vi phạm, đôi khi còn gây khó khăn cho người dân khi xin cấp giấy tờ nhà.
Bạn đọc này phân tích: khi dự án đã có quy hoạch 1/500, đã được duyệt phương án kiến trúc và có mẫu nhà thống nhất, thì hoàn công không còn cần thiết.
Việc xây sai vài chục cm khó nhận biết, nhưng nếu sai cả mét, lệch hẳn khỏi dãy nhà xây đúng thì ai cũng thấy rõ. Chính quyền địa phương hoàn toàn có thể kiểm tra theo từng giai đoạn xây dựng, phát hiện sai phép là có thể xử lý kịp thời.
Bạn đọc Trần Bồng cho biết có nhiều căn nhà đã xây dựng xong nhiều năm nhưng không thể hoàn công do sai lệch nhỏ hoặc thiếu một vài giấy tờ như giấy phép khởi công, số nhà. Điều này gây khó cho cả người dân và cơ quan quản lý. Vì thế cần bỏ hoặc cải tiến hoàn công theo hướng đơn giản, dễ thực hiện hơn.
Từ góc nhìn thủ tục hành chính, bạn đọc Đoàn Trọng Thủy cho rằng việc kiểm tra hiện trạng công trình thường đã được thực hiện khi sang tên, chuyển nhượng nhà đất. Nếu công trình xây sai, việc làm sổ mới cũng rất khó khăn.
Vì vậy, thủ tục hoàn công vốn được xem là “chốt chặn cuối cùng” có còn thực sự cần thiết hay không?
Giữ hoàn công để tránh rủi ro, hạn chế phát sinh tranh chấp với hàng xóm
Ở chiều ngược lại, nhiều bạn đọc cho rằng hoàn công vẫn là một bước cần thiết, nhằm đảm bảo tính minh bạch, an toàn kỹ thuật và cơ sở pháp lý cho công trình xây dựng.
Nếu bỏ hoàn công có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, đặc biệt trong các trường hợp xây dựng sai phép hoặc lấn ranh đất của hàng xóm.
Bạn đọc MG Phúc phân tích nếu trong cùng một khu nhà ở mà mỗi người xây một kiểu, không có thủ tục hoàn công để xác định ranh giới, rất dễ dẫn đến tranh chấp, kiện tụng về đất đai.
Ở góc độ quản lý, bạn đọc An nhận định hoàn công là công cụ giúp kiểm tra xem chủ đầu tư có xây đúng quy định, có lấn chiếm phần đất của người khác khi chủ đất bên cạnh không có mặt hay không.
Trong khi đó bạn đọc Tố Xuân cảnh báo thực tế nhiều người “xin phép một đằng, xây một nẻo”. Nếu bỏ luôn hoàn công thì chính quyền không còn cơ sở nào để kiểm tra, đối chiếu hiện trạng công trình khi hoàn thành.
Dưới góc độ kỹ thuật, bạn đọc Hằng Vinh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của bản vẽ hoàn công. Theo bạn đọc, dù thiết kế có kỹ lưỡng đến đâu cũng khó trùng khớp hoàn toàn với thực tế thi công, bởi quá trình xây dựng thường nảy sinh các tình huống cần điều chỉnh.
Nếu không có bản vẽ ghi nhận các thay đổi như vị trí đường điện âm tường, hộp đấu nối, công tắc, thiết bị bảo vệ... thì khi sử dụng hoặc sửa chữa về sau sẽ rất dễ gặp rủi ro. Việc khoan nhầm vào dây điện hoặc ống nước có thể gây chập cháy, vỡ đường ống, mà không có bản vẽ thì cũng không biết đâu mà sửa.
“Bản vẽ hoàn công chính là tài liệu giúp người sử dụng hoặc bảo trì công trình biết rõ cấu trúc bên trong”, bạn đọc này nhấn mạnh.
Theo bạn đọc Long, hoàn công là cần thiết nhưng hiện nay chi phí dịch vụ quá cao, gây trở ngại cho người có nhu cầu. Anh cho biết căn nhà của mình chỉ khoảng 4×12m, 1 trệt 2 lầu nhưng chi phí hoàn công lên tới 40 triệu đồng. Trong đó bản vẽ chỉ khoảng 5 triệu, thuế 5-7 triệu, phần còn lại là chi phí dịch vụ.
Nhiều ý kiến cho rằng thay vì bỏ hoàn công, nên cải tiến thủ tục theo hướng đơn giản, minh bạch và ứng dụng công nghệ.
Bạn đọc Dân đề xuất phường xã nên tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân đo đạc, kiểm tra hoàn công với đơn giá công khai theo m², đồng thời số hóa hiện trạng mỗi căn nhà và cập nhật lên hệ thống chung. Nhờ vậy việc tra cứu, xác nhận sẽ nhanh gọn, minh bạch, không còn phụ thuộc vào dịch vụ bên ngoài.