
Bạn Lai Trí Thuận (áo trắng) thuyết trình về chiến dịch truyền thông dự án 'Tết trên cao' do nhóm thực hiện - Ảnh: HỒ NHƯỠNG
Lớp học nằm trong thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa báo Tuổi Trẻ và Trường đại học Hoa Sen. Theo thỏa thuận sinh viên sẽ học học phần "kỹ năng tạo lập văn bản truyền thông" tại báo Tuổi Trẻ.
Thực học, thực hành
Giảng viên đứng lớp hướng dẫn sinh viên là những nhà báo nhiều kinh nghiệm làm nghề và giảng dạy báo chí. Mỗi giờ lên lớp không chỉ là buổi giảng, mà là một lần đưa câu chuyện làm nghề vào lớp học với những bài học sống động từ thực tiễn báo chí - truyền thông.
Tại buổi học, từng nhóm sinh viên lần lượt thuyết trình về một dự án truyền thông thực tế mà mình tự xây dựng. Dù là chiến dịch vì cộng đồng, truyền thông nhãn hàng hay quảng bá cho một bộ phim, tất cả đều được các bạn trình bày dưới dạng kế hoạch truyền thông kèm hệ thống văn bản như bài PR, thông cáo báo chí, nội dung mạng xã hội và slogan chủ đạo.
Các nhóm đều đầu tư công phu cả mặt hình ảnh, thiết kế trình chiếu, lồng nhạc, dựng video. Tuy nhiên điều khiến nhiều sinh viên vỡ ra không nằm ở phần thể hiện, mà chính là ở những góp ý sâu sắc từ giảng viên sau mỗi bài thuyết trình.
Sau phần nhận xét, các nhóm được tạo điều kiện sửa bài ngay trong buổi học. Mỗi nhóm chọn ra một văn bản hoặc một phần trình bày chưa tốt để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện. Một số nhóm viết lại đoạn kết theo hướng cảm xúc hơn, nhóm khác thay đổi câu slogan, hoặc thêm yếu tố đối thoại, kể chuyện.
Không khí lớp học trở nên sôi nổi, không ai ngại được sửa sai, bởi được "học sai - sửa sai" ngay khi còn đang học là một phương pháp giúp các bạn tiến bộ nhanh nhất.
Trưởng thành từ trải nghiệm

Nhiều sinh viên nhận xét các buổi học ở đây là một buổi thực chiến, vì các bạn được thực hành nhiều hơn học lý thuyết - Ảnh: HỒ NHƯỠNG
Trong số những sinh viên đã hoàn thành học phần tại báo Tuổi Trẻ, Lai Trí Thuận - sinh viên năm 2 khoa marketing và truyền thông - cho biết trải nghiệm này giúp bạn hiểu rõ hơn về truyền thông và cách viết báo, điều trước đó còn khá mơ hồ.
Học ở môi trường tòa soạn, Thuận không chỉ được tiếp cận kiến thức chuyên môn, mà còn được truyền cảm hứng từ chính các thầy cô, những nhà báo luôn tận tâm, sẵn sàng hướng dẫn đến từng chi tiết, kể cả ngoài giờ học.
Mang ước mơ làm phim, Thuận xem những tiết học tại đây như nguồn năng lượng tiếp thêm động lực. Từ cách xây dựng một chiến dịch truyền thông đến viết bài PR, thông cáo báo chí, và thậm chí là kịch bản sáng tạo, tất cả đều được bạn ứng dụng linh hoạt, đầy cảm hứng.
Với sinh viên Phạm Thảo, điều đáng giá nhất là được "học thật, làm thật".
Theo Thảo, lớp học không quá nặng lý thuyết, thay vào đó là các bài tập mang tính thử thách, buộc sinh viên phải đào sâu nghiên cứu, rèn kỹ năng viết và tư duy phản biện. Thảo cho rằng chính nhờ những bài tập "khó vừa đủ" ấy mà bạn có cơ hội trau dồi, hoàn thiện từng chút.
"Mỗi sinh viên đều có cách tiếp thu kiến thức khác nhau, chính vì vậy, điều khiến mình ấn tượng nhất trong suốt quá trình học tại báo Tuổi Trẻ là sự linh hoạt và tận tâm của các thầy cô.
Các thầy không chỉ truyền đạt kiến thức một chiều, mà luôn quan sát, lắng nghe và điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với từng nhóm, từng cá nhân. Nhờ đó mỗi buổi học đều trở nên dễ hiểu, dễ tiếp cận và thực sự hiệu quả đối với từng bạn sinh viên", Thảo chia sẻ.

ThS Phạm Văn Quen - trưởng ban công tác bạn đọc báo Tuổi Trẻ, trưởng môn học - trao giấy chứng nhận cho sinh viên hoàn thành khóa đào tạo - Ảnh: HỒ NHƯỠNG
Còn với Mỷ Quyên, những ngày đầu tiên đến học tại báo Tuổi Trẻ đã để lại dấu ấn khó quên, từ cơ sở vật chất, phong cách làm việc đến tinh thần chuyên nghiệp của các anh chị nhà báo.
Chính môi trường ấy khiến bạn nhanh chóng nghiêm túc hơn với việc học, với đam mê của mình. Được học trong không khí nghề nghiệp rõ ràng, khiến bạn cảm thấy mình đang thực sự chạm vào hơi thở của ngành.
Áp dụng cho công việc sau này
Bạn Trịnh Trần Ngọc Khánh Vy đánh giá cao những giờ thực hành, khi nhóm được tự triển khai bài tập, rồi nhận góp ý chi tiết từ giảng viên. Đó là cách học Vy cho rằng dễ nhớ, dễ áp dụng và hiệu quả nhất trong thực tế công việc sau này.
Không chỉ học được kỹ năng, Vy còn cảm nhận rõ sự tôn trọng và khích lệ từ các thầy cô. "Ở đây, không ai phán xét khi mình làm sai, chỉ có những lời góp ý để sửa sai. Chính điều đó giúp mình tiến bộ cả trong chuyên môn lẫn trong cách ứng xử với nghề", Vy chia sẻ.