Ngành du lịch tìm giải pháp phát huy tài nguyên du lịch, di sản văn hóa, sản phẩm du lịch của tỉnh Thái Nguyên mới sau sáp nhập.
Sáng 8.7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Đánh giá tiềm năng, lợi thế, gợi mở những giải pháp để phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên” nhằm đánh giá tiềm năng và gợi mở những giải pháp để phát triển du lịch sau khi sáp nhập Thái Nguyên và Bắc Kạn (cũ), thu hút ngày càng đông khách.
Vận hội mới đi kèm thách thức
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Dương Xuân Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, đánh giá Thái Nguyên sau sáp nhập có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, lợi thế về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, ngành du lịch của địa phương đứng trước những thời cơ, vận hội mới. Thái Nguyên sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng hơn, với những giá trị được cộng hưởng, bổ sung lẫn nhau giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn cũ.
Theo TS. Lê Quang Đăng (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam), tỉnh Thái Nguyên mới có không gian phát triển du lịch rộng lớn hơn, xóa bỏ những rào cản cả về địa giới hành chính (cấp tỉnh, huyện cũ) lẫn ranh giới mềm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư du lịch.
Không chỉ vậy, khả năng liên kết du lịch vùng hiệu quả hơn. “Việc sáp nhập giữa các tỉnh, sắp xếp lại bộ máy hành chính đã tạo cơ hội, thuận lợi để Thái Nguyên tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh có du lịch phát triển như Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh”, TS. Lê Quang Đăng nói.
Tuy nhiên, ngành du lịch phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn như sản phẩm du lịch nghèo nàn, cơ sở hạ tầng hạn chế, nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu và thị trường du lịch chủ yếu là khách nội địa.
Theo Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên, thực tế, hoạt động liên kết du lịch giữa hai địa phương Thái Nguyên và Bắc Kạn (cũ) còn rời rạc, thiếu chiến lược chung. Hạ tầng du lịch, dịch vụ lưu trú tại Bắc Kạn (cũ) còn thiếu và yếu. Du lịch cộng đồng chưa được chuyên nghiệp hóa.
Định hướng chiến lược phát triển du lịch sau sáp nhập
Chuyên gia cho rằng sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên mới cần tái định vị thương hiệu du lịch của địa phương.
TS. Lê Quang Đăng cho rằng Thái Nguyên cần định hình lại cách làm du lịch và định hướng lại hệ thống sản phẩm du lịch.
Hệ thống sản phẩm du lịch của Thái Nguyên và Bắc Kạn (cũ) khá tương đồng, với 4 dòng sản phẩm chủ đạo là: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Do đó, Việc sáp nhập có thể là sự cộng gộp về mặt không gian và tài nguyên, nhưng không nên cộng gộp về mặt sản phẩm.
Chuyên gia này gợi mở ngoài 4 sản phẩm chủ đạo đã có, Thái Nguyên có thể nghiên cứu phát triển sản phẩm mới về du lịch công nghiệp; du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp gắn với Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể; du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội quy mô lớn như Lễ hội trà quốc tế, Đại lễ hội văn hóa - ẩm thực vùng cao Việt Bắc, lấy Lễ hội múa bát của người Tày làm trung tâm.
Trong khi đó, bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, cho rằng sau sáp nhập, du lịch Thái Nguyên có thể nâng tầm giá trị trải nghiệm, thát triển chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng và tạo tuyến du lịch hấp dẫn. Từ đó, tỉnh Thái Nguyên mới sẽ thu hút khách, kéo dài thời gian lưu trú từ một ngày lên 2-3 ngày.
“Sự kết nối giữa du lịch sinh thái - cộng đồng của Bắc Kạn và du lịch văn hóa - lịch sử - làng nghề của Thái Nguyên sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh cho du khách trong nước và quốc tế. Như vậy, sau khi sáp nhập, phát triển sản phẩm du lịch liên kết có thể tạo ra tuyến - tour - vùng du lịch hấp dẫn hơn thay vì khai thác riêng lẻ, rời rạc”, bà Ngọc Anh phân tích.