
Bệnh nhân tại một số bệnh viện trên địa bàn TP.HCM vẫn còn sử dụng sổ khám bệnh khi đi thăm khám
Chưa đầy ba tháng nữa, các bệnh viện trên cả nước phải "khai tử" bệnh án giấy, hoàn tất bệnh án điện tử theo yêu cầu của Bộ Y tế. Thực tế ghi nhận đến nay vẫn còn nhiều bệnh viện vừa dùng bệnh án giấy, vừa loay hoay triển khai phần mềm bệnh án điện tử.
Người bệnh vẫn phải sử dụng sổ khám bệnh
Tại TP.HCM, đến nay nhiều bệnh viện đã triển khai thành công bệnh án điện tử như Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Lê Văn Thịnh...
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM, người bệnh khi đi thăm khám bệnh viện vẫn sử dụng sổ khám bệnh. Điều này gây ra không ít phiền hà, tốn kém thời gian và tiền bạc cho người bệnh.
Song song điều trị, theo dõi sức khỏe bệnh nhân, các nhân viên y tế còn dành thời gian ngồi ghi lại diễn tiến bệnh và các thuốc, dịch truyền, vật tư tiêu hao... mà bệnh nhân đã dùng trong quá trình điều trị vào hồ sơ bệnh án.
Mỗi bệnh nhân một hồ sơ bệnh án. Với bệnh nhân có thời gian nằm viện càng dài thì hồ sơ bệnh án càng dày. Tuy nhiên tất cả mọi thông tin của bệnh nhân đều thực hiện thủ công. Điều này vừa mất thời gian, vừa tốn nhiều công sức, mà phải cần một không gian rộng lớn lưu trữ bệnh án.
Sáng 7-7, tại một bệnh viện tuyến quận TP.HCM, nhiều người dân đến thăm khám và điều trị vẫn phải cầm sổ khám bệnh đến các khu vực, khoa phòng trong bệnh viện để được thăm khám.
Không ít người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính phải thăm khám thường xuyên mang theo sổ đi khám, có người cầm trên tay đến ba sổ khám bệnh khác nhau.
Điển hình như trường hợp bà D.P. (67 tuổi, TP.HCM). Bà cho hay mình mắc bệnh huyết áp, tim mạch nhiều năm nay nên phải đến bệnh viện khám bệnh hàng tháng, mỗi lần khám xong bác sĩ sẽ bấm ghim một tờ đơn thuốc vào sổ khám bệnh.
Khi các tờ trong sổ khám bệnh đã đầy, bà bắt buộc phải mua sổ khám mới với giá 5.000 đồng/cuốn.
"Có mấy cuốn sổ trước đó tôi cầm về nhưng già rồi cứ nhớ nhớ quên quên, không tìm thấy, đành đến bệnh viện mua sổ mới. Hôm nay lục được ba cuốn lận nên tôi mang đi cho bác sĩ xem luôn. Cầm nhiều giấy tờ đi khám nên phải đọc lại cho kỹ, rất bất tiện", bà P. than phiền.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương TP.HCM cho hay đơn vị dù đã ứng dụng hệ thống quản lý thông tin y tế từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa đạt chuẩn để công bố triển khai hồ sơ bệnh án điện tử do thiếu các điều kiện kỹ thuật và pháp lý cần thiết.
Giải thích về nguyên nhân, vị này cho hay hiện nay hệ thống công nghệ thông tin của nhiều bệnh viện đã cũ, không đủ năng lực xử lý lượng dữ liệu ngày càng lớn. Hệ thống còn yếu trong việc kết nối liên thông với các nền tảng bên ngoài.
Trong khi đó, đội ngũ kỹ thuật viên công nghệ thông tin chưa đáp ứng, không có kinh nghiệm về y tế nên khó theo kịp tiến độ triển khai. Mặt khác nhiều bác sĩ lớn tuổi không có thói quen đọc tài liệu trên máy tính, chủ yếu đọc bản in. Do vậy phải thay đổi thói quen này để áp dụng quy trình số hóa.
Đến nay bệnh viện này đang nâng cấp toàn bộ hệ thống, đồng thời xây dựng ứng dụng riêng tích hợp với hồ sơ bệnh án điện tử, phấn đấu hoàn thành đúng hạn trước 30-9 theo quy định.
Bác sĩ Nguyễn Thế Vũ, giám đốc Bệnh viện quận 7 (TP.HCM), cho hay hiện nay bệnh viện đang tăng tốc hoàn thành bệnh án điện tử, nhanh chóng áp dụng toàn bệnh viện. Theo kế hoạch đến giữa tháng 7-2025 bệnh viện sẽ triển khai bệnh án điện tử toàn bệnh viện, và đến tháng 8-2025 sẽ thẩm định.

Một bệnh nhân phải mang theo cả 3 sổ khám bệnh cũ để bác sĩ dễ theo dõi khi đến bệnh viện khám bệnh - Ảnh: THU HIẾN
"Cú hích" mang tính đột phá
Bộ Y tế đã ra lộ trình chậm nhất vào ngày 30-9 các đơn vị phải nhanh chóng triển khai được bệnh án điện tử. Theo đó yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử chậm nhất vào ngày 30-9.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh khác có người bệnh điều trị nội trú, điều trị ban ngày và điều trị ngoại trú triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, hoàn thành chậm nhất vào ngày 31-12-2026.
Là số ít bệnh viện ở TP.HCM triển khai mô hình bệnh án điện tử thành công từ năm 2024, Bệnh viện Nhi đồng thành phố cho rằng đây là một "cú hích" mang tính đột phá trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thông minh của bệnh viện.
Ông Trương Quang Định, giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, cho hay bệnh án điện tử là một phần của quá trình chuyển đổi số, thay thế cho bệnh án giấy viết tay thông thường. Tất cả các hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, chỉ định, kết quả xét nghiệm... tại bệnh viện đều được ghi nhận bằng một hệ thống số trong dữ liệu của bệnh án điện tử.
Điều này giúp bác sĩ có được thông tin nhanh nhất, chính xác nhất để có thể ra những quyết định can thiệp kịp thời.
Vì bệnh viện này chuyên khám và điều trị bệnh cho trẻ em nên bệnh án điện tử của bệnh viện có những đặc thù riêng, đảm bảo phải chính xác và liên tục từ lúc trẻ sinh ra cho đến từng giai đoạn phát triển.
Bên cạnh đó, bệnh án điện tử phải triển khai để phụ huynh có thể dễ dàng sử dụng, theo dõi lịch sử thăm khám, điều trị hay tiêm vắc xin... của con em mình.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, điều quan trọng nhất bệnh án điện tử mang lại là hạn chế sai sót, từ đó giúp tiết kiệm chi phí và an toàn cho người bệnh.
Còn với người quản lý, bệnh án điện tử giúp theo dõi được tình trạng thuốc, vật tư, trang thiết bị... tại bệnh viện như thế nào, từ đó có kế hoạch quản lý hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Văn Tiến, phó trưởng phòng phụ trách phòng giải pháp và quản lý chất lượng Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế), cho biết đến nay đơn vị đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cho các bệnh viện khi triển khai bệnh án điện tử.
Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu
Ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng yêu cầu các giám đốc bệnh viện nhận thức rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và cần tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành trong bối cảnh kỷ nguyên số hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Việc chậm trễ trong chuyển đổi số, đặc biệt là hồ sơ bệnh án điện tử, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của toàn ngành.
Để hỗ trợ các bệnh viện trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là về hạ tầng công nghệ thông tin, UBND TP.HCM đã đồng thuận đầu tư ngân sách đáng kể. Các bệnh viện tuyến hạng hai sẽ được cấp 20 tỉ đồng, trong khi các bệnh viện tuyến hạng một nhận được 40 tỉ đồng để củng cố hạ tầng, đảm bảo an ninh mạng.
Phải bảo mật thông tin của người bệnh
Bộ Y tế cho hay hồ sơ bệnh án điện tử khi được đưa vào sử dụng sẽ quản lý thông tin cá nhân, kết quả khám bệnh, cận lâm sàng, thăm dò chức năng; quá trình chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và những thông tin khác có liên quan trong quá trình điều trị bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Mỗi người bệnh sẽ có một mã số định danh đơn nhất căn cứ theo số định danh cá nhân để kết nối, liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử.
Khi chuyển thông tin bệnh của người bệnh lên môi trường mạng thì nguy cơ lộ lọt rất cao, nếu như mất cảnh giác và không có các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin.
Do vậy, Bộ Y tế khuyến nghị các cơ sở khám chữa bệnh lưu ý triển khai nhiều nhóm giải pháp về công nghệ để đảm bảo an toàn thông tin người bệnh như tường lửa, phần mềm chống vi rút... nhằm chống tấn công từ bên ngoài vào hệ thống thông tin của đơn vị.