
Du lịch Việt Nam nỗ lực đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, trên 120-130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025.
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành
du lịch 6 tháng cuối năm 2025 vào chiều 9.7.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, sau khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vừa đi vào hoạt động, cũng như sắp xếp lại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành.
Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là làm sao để không đứt gãy trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, trên 120-130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng toàn ngành phải cùng tham mưu để “vẽ lại bàn đổ du lịch Việt Nam”, bằng cách tiếp cận mới, tạo ra liên kết.
Thay vì phát triển trong không gian hẹp, ngành du lịch phải tạo ra không gian mở, tạo ra các sản phẩm thực sự đặc sắc, khơi dậy cảm hứng để hấp dẫn khách quốc tế.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành du lịch đã tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả nổi bật.
Với đà tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm 2025, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhận thức về tác động lan tỏa của ngành Du lịch trong nền kinh tế có chuyển biến tích cực.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024; đạt 48,6% so với Kế hoạch năm 2025 (22 - 23 triệu lượt khách).
Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024; đạt 64,5% so với Kế hoạch năm 2025 (120 - 130 triệu lượt).
Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 518.000 tỉ đồng; đạt 52,8% so với Kế hoạch năm 2025 (980.000 - 1.050 nghìn tỉ đồng).
Dù đạt kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch vẫn đối mặt nhiều thách thức như: cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, giá trị gia tăng thấp; quảng bá thiếu điểm nhấn, thương hiệu quốc gia chưa nổi bật.
Chất lượng dịch vụ chưa đồng đều, thiếu nhân lực chất lượng; hạ tầng còn hạn chế; hành lang pháp lý chưa thuận lợi cho sản phẩm mới; doanh nghiệp thiếu nguồn lực tài chính; giá vé máy bay tăng cao vào cao điểm là một số khó khăn đáng kể.
Hướng đến mục tiêu 22-23 triệu lượt khách, trung bình mỗi tháng trong nửa cuối năm 2025, ngành du lịch phải đón khoảng 1,88 đến hơn 2 triệu lượt khách. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, đặc biệt vào “chính vụ” trong mùa cao điểm khách quốc tế từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
6 tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết 82/NQ-CP, Chỉ thị 08/CT-TTg, Công điện 34/CĐ-TTg và Nghị quyết 25/NQ-CP.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các hoạt động xúc tiến, quảng bá sẽ được tổ chức mạnh mẽ tại thị trường trong và ngoài nước như hội chợ WTM 2025 (Anh), ITE HCM 2025, và các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga… Đặc biệt, ngành phối hợp tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia -
Huế 2025.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ xây dựng đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở các thị trường trọng điểm và triển khai chương trình quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới giai đoạn 2026-2030.