Thực phẩm 'nhà làm' không để nhà ăn mà rao bán chính là kinh doanh
GH News July 11, 2025 09:32 AM
Hiện nay rất nhiều nơi rao bán sản phẩm có mác 'nhà làm' nhưng lại mang ra kinh doanh, vậy ai kiểm chứng chất lượng?
thực phẩm - Ảnh 1.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên mua những loại thực phẩm có gắn nhãn mác đầy đủ để đảm bảo an toàn - Ảnh: THU HIẾN chụp màn hình

Bài viết "Tôi xin nói thẳng: bánh nhà làm thì để nhà ăn thôi" (Tuổi Trẻ Online) nêu ý kiến của bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đã nhận ý kiến phản hồi từ bạn đọc. 

Thực phẩm "nhà làm" thì tự ăn để chiêm nghiệm

Nếu như trước đây, các thực phẩm nhà làm được cho là an toàn, hiện nay nhiều nơi gán mác "nhà làm" để kinh doanh, mua bán với số lượng nhiều và quy mô lớn, không đăng ký theo quy định.

Bạn đọc H.B. dẫn chứng, mỗi dịp Tết Trung thu thì bánh "nhà làm" được quảng cáo rầm rộ, mua bán tấp nập trên khắp chợ mạng. Nhưng đáng nói lại không có chứng nhận kiểm nghiệm chất lượng của các cơ quan y tế về an toàn thực phẩm.

Chính vì vậy người mua không biết nguyên liệu là gì, mua ở đâu, nguồn gốc xuất xứ ra sao, có chất cấm hay không và hàm lượng các thành phần bánh thế nào, làm bằng công nghệ gì.

"Vậy nhà nào tự làm thì tự ăn để chiêm nghiệm xem thế nào", bạn đọc này nêu ý kiến.

Theo bạn đọc Minh, nhiều nơi hiện nay gắn mác "nhà làm" để đánh vào tâm lý tin tưởng của hầu hết người dân.

"Hàng nhà làm trước đây chỉ để nhà ăn hoặc biếu tặng, nay hàng nhà làm với mục đích kinh doanh buộc phải kiểm soát để người bán có trách nhiệm với hàng hóa mình làm ra, có trách nhiệm với người mua. Hàng nhà làm mà số lượng lớn thì thành hàng công nghiệp rồi", bạn đọc Trương Kiệt nhấn mạnh.

Bạn đọc Trà Hoa chia sẻ: "Nhiều món đồ nhà làm nhiều người tin dùng, nhưng đâu bảo đảm được nhà đó dùng nguyên liệu gì để làm, rồi không chất bảo quản thì lại có nguy cơ hư hỏng khi giao tới người nhận... Nhiều vấn đề lắm".

"Nhà làm" mà bán phải đăng ký đúng quy định

Bạn đọc cho rằng với thực phẩm nhà làm chỉ nên sử dụng trong gia đình, hoặc biếu tặng ít cho người thân, quen, khi đã mang ra chợ bán phải có sự kiểm định của cơ quan chức năng.

Bạn đọc tien****@gmail.com nêu: "Bánh nhà làm thì để nhà ăn thôi. Đã bánh nhà làm thì chỉ nhà mới biết hoặc cho, biếu người thân, bạn bè.

Bánh nhà làm mà đăng đàn bán thì cũng là hình thức kinh doanh. Phải kiểm soát và xử lý nếu không có đầy đủ các giấy tờ kiểm định, thuế VAT...".

Đó cũng là ý kiến của bạn đọc Nhân: "Tự làm, tự ăn và tự chịu trách nhiệm về bản thân. Còn nếu đã mang ra buôn bán, kinh doanh thì phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thương mại… và chịu chế tài của pháp luật".

Nhiều bạn đọc cho rằng đã đến lúc phải kiểm soát mạnh tay với thực phẩm nhà làm, vì chúng xuất hiện hầu hết ở các hàng rong, vỉa hè, khu chợ mạng và truyền thống.

Bạn đọc Thao****@gmail.com đề xuất: "Nhà làm hay ai làm nếu buôn bán từ nhà hàng, quán xá cho đến trà đá vỉa hè đều phải kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký kinh doanh hợp pháp".

Theo bạn đọc Thang Vu, "nhà làm mà buôn bán cho người khác ăn liên quan đến sức khỏe thì phải đăng ký theo quy định".

Để đảm bảo an toàn, bạn đọc Thiên Ân cũng nhấn mạnh: "Lâu nay mọi người cứ nghĩ hàng 'nhà làm' là uy tín, chất lượng nhưng thực chất chỉ trong nhà mình làm mới tin. Nên món gì có thương hiệu, có chứng nhận nguồn gốc mới đáng tin".

Nên mua thực phẩm ở cơ sở uy tín

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, dù có giá rẻ nhưng người tiêu dùng và cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc giám sát, kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào thực phẩm nhà làm.

Bên cạnh đó, nhiều thực phẩm nhà làm được rao bán online, địa chỉ nhiều nơi thường là địa chỉ ảo, khó truy tìm. Vì vậy, số mặt hàng, cơ sở kinh doanh qua mạng xã hội được kiểm tra ít hơn so với bên ngoài. Từ đó, nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể lớn hơn.

Bà Lan khuyến cáo người dân nên chọn các sản phẩm nhà làm có ghi rõ cơ sở sản xuất, giấy chứng nhận. Nếu mua sản phẩm này ở những địa chỉ vô thưởng vô phạt với lời quảng cáo có cánh, tất cả thiệt thòi sẽ rơi vào người tiêu dùng.

Nếu người mua hàng không có hóa đơn thì khi xảy ra sự cố gì, khó truy trách nhiệm. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng trong vấn đề này.

Thăm dò ý kiến

Hiện nay nhan nhản quảng cáo hàng 'nhà làm', không ai kiểm định, xác minh nguồn gốc nguyên liệu, quy trình chế biến... Theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.