Cây khế trăm tuổi trong chùa cổ
laodong July 11, 2025 04:48 PM

An Giang - Tại di tích quốc gia chùa Phi Lai - Tam Bửu nổi tiếng vùng Thất Sơn có cây khế được xem như giáo sản của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Cây khế có “1-0-2”
Trong khuôn viên di tích Tam Bửu tự (chùa Tam Bửu) nằm dưới chân núi Tượng - một trong 7 ngọn núi thiêng của dãy Thất Sơn - có cây khế rất đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì thuộc hàng cổ thụ, mà còn được cho chính người đã trồng ra nó và hậu nhân xem đó như giáo sản của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (TAHN).
Tuy đến nay chưa ai khám phá tư liệu bằng văn tự nào ghi chép việc trồng cây khế này, nhưng theo truyền khẩu trong bổn đạo, chính Đức Bổn Sư Ngô Lợi (1831-1890)¸chí sĩ yêu nước, người khai sáng TAHN đã trực tiếp trồng.
Theo sử liệu chính thống của tỉnh An Giang, ngài Ngô Lợi khai sáng đạo TAHN vào khoảng năm 1867. Sau đó ông chọn vùng đất dưới chân núi Tượng nay là xã Ba Chúc (tỉnh An Giang mới) lập 4 ngôi làng: An Định, An Hòa, An Thành, An Lập để truyền bá đạo và làm căn cứ chống Pháp xâm lược.
Để tạo điểm tựa tinh thần và tâm linh cho người dân, ông cùng tín đồ xây dựng nhiều ngôi miếu, chùa, trong đó có Tam Bửu tự. Xây dựng lần đầu vào năm 1882, Tam Bửu tự được xem là chùa chính của bổn đạo.
Theo truyền khẩu từ các vị Trưởng Gánh - người thay mặt giáo chủ chăm lo các công việc đạo sự của một nhóm tín đồ - sau khi cất xong Tam Bửu tự, ngài Ngô Lợi cho trồng nhiều cây thuốc trong khuôn viên chùa.
Trải qua biến thiên lịch sử, giờ chỉ còn mỗi cây khế. Tuy dữ liệu thời gian giữa các lời truyền khẩu có chút khác biệt khi có ý kiến cho rằng cây khế được trồng sau khi cất xong chùa, tức khoảng trong năm 1882, nhưng cũng có dữ liệu cho biết cây khế được giáo chủ trồng sau một thời gian hoàn tất ngôi chùa, tức khoảng 1889.
Nhưng dù tính theo mốc thời gian nào, tất cả đều có điểm chung là khẳng định cây khế đã thọ trên một thế kỷ. Hiện, cây có thân to hằng mét, trên da nổi nhiều nu và chỉ dấu thời gian thường thấy ở cây cao tuổi.
Cây khế mật pháp
Cây khế của Đức Bổn Sư trồng thuộc dạng khế chua. Vì thế tín đồ thường đến thỉnh trái về sử dụng như dược liệu trong bài thuốc dân gian điều trị các bệnh thông thường. Nhưng theo nhiều vị Trưởng Gánh, đó mới chỉ là giá trị đời thường, bên trong ẩn chứa nhiều di huấn vô ngôn mà giáo chủ mật truyền cho hậu nhân.
Tùy điều kiện nhân duyên, căn cơ mà từng người có thể lãnh hội từng tầng nghĩa khác nhau để chiêm nghiệm và chuyển hóa thành bài học, hành trang trên bước đường học phật - tu nhân. Có người cho rằng, việc Đức Bổn Sư trồng cây khế như truyền mật pháp về hành trì tu tập: Trên bước đường hành đạo, không được dục tốc…
Tán thành với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Út – Trưởng Gánh “Hậu giáo kế truyền” - cho rằng, điều này không phải là suy diễn, mà hoàn toàn có căn cứ, nếu đối chiếu với ý nghĩa cây khế từng được Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ẩn ý tại câu thơ: “Khế kia chua quá mau nên úng; Lan nọ thơm dai mãi có hương” (Bạch Vân quốc ngữ thi tập).
Trong đó mộc có nghĩa là cây (nghĩa của chữ) và khiết vừa để tạo âm cho chữ, vừa mang hàm nghĩa trong sạch… Chính vì ẩn chứa hàm nghĩa thâm sâu như thế mà tín đồ Phật giáo TAHN xem và trân trọng cây khế như giáo sản.
Có dịp về vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang, du khách hãy một lần đến di tích Phi Lai - Ba Chúc, ngắm nhìn cây khế cổ thụ. Không gian thanh tịnh và sự hòa quyện với nét hùng vĩ của núi rừng luôn sẵn lòng khơi dậy tiềm thức để tự mỗi người khai mở căn cơ để chiêm nghiệm từ mật pháp vô ngôn của tiền nhân thành bài học làm hành trang cho hành trình thiện lành trong tương lai.

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.