Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink nói các hoạt động nhân đạo là cầu nối đưa hai nước đến với quá trình bình thường hóa quan hệ.
"Với sự thúc đẩy của thượng nghị sĩ Patrick Leahy và nhiều nghị sĩ khác, Mỹ đã đầu tư khoản ngân sách lớn để xử lý hậu quả chất độc da cam, rà phá bom mìn chưa nổ, cũng như hỗ trợ điều trị cho những người khuyết tật đang sinh sống tại 7-8 tỉnh bị rải chất độc da cam nhiều nhất", cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu tại tọa đàm gần đây ở Washington kỷ niệm 30 năm Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ, theo TTXVN.
Theo cựu đại sứ Kritenbrink, chính các hoạt động nhân đạo đã trở thành cầu nối giúp hai nước bắt đầu xây dựng thiện chí, đưa Việt Nam và Mỹ đến với quá trình bình thường hóa quan hệ.
"Theo tôi, chính điều đó đã làm thay đổi thái độ của người Việt Nam đối với Mỹ. Đó cũng là điều giúp hai bên bắt đầu đối thoại với nhau và tôi tin rằng những nỗ lực này đến nay vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng", ông Kritenbrink, người giữ chức đại sứ Mỹ tại Việt Nam năm 2017-2021, nói.
Đề cập đến hợp tác song phương trong tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích, ông Kritenbrink cho hay Việt Nam và Mỹ trước đây chủ yếu phối hợp để xác minh thông tin về các quân nhân Mỹ mất tích. Tuy nhiên, hai bên gần đây đã bắt đầu triển khai các hoạt động tìm kiếm mang tính song phương hơn, bao gồm cả việc xác minh những người Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Ông cho biết từng rất lo ngại khi đầu năm nay có thông báo rằng nguồn tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), vốn hỗ trợ nhiều chương trình nhân đạo, sẽ bị ngừng lại. Tuy nhiên, theo ông, tất cả nguồn tài trợ hiện đã được phê duyệt lại và tiếp tục được giải ngân, cho thấy cộng đồng quốc tế và chính phủ Mỹ đều nhận thức rõ tầm quan trọng của các chương trình này.
Tham dự tọa đàm còn có hai cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam khác là Michael Michalak và Ted Osius. Đối với cựu đại sứ Michalak, giáo dục gần như là trọng tâm trong nhiệm kỳ của ông ở Việt Nam từ năm 2007 đến 2011.
Trước khi sang Việt Nam nhận nhiệm vụ, ông đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ học tập. Vào thời điểm ông rời Việt Nam, số lượng sinh viên Việt Nam sang Mỹ đã tăng gấp ba và con số đó tiếp tục tăng. Tại Mỹ, Việt Nam là nguồn sinh viên lớn nhất từ ASEAN và là nguồn sinh viên lớn thứ năm trên thế giới.
Theo cựu đại sứ Michalak, gần đây, 40 giáo sư từ 21 trường đại học Mỹ đã đến thăm Việt Nam như một phần của chương trình hợp tác học thuật quốc tế để trao đổi về cách thức đưa nhiều sinh viên hơn từ Việt Nam đến Mỹ.
"Mọi hiệu trưởng trường đại học đã đến Việt Nam đều nói với tôi và tôi chắc rằng họ cũng đã gửi lời nhắn đó đến tất cả các đại sứ khác: Hãy gửi cho chúng tôi nhiều sinh viên hơn nữa", ông Michalak nói.
Ông cho rằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những lĩnh vực then chốt mà Việt - Mỹ đang thúc đẩy trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng (thứ hai từ trái sang) và các đại sứ Mỹ tại Việt Nam qua các thời kỳ. Ảnh: TTXVN
Cựu đại sứ Ted Osius, người công tác tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017, thì chia sẻ về vấn đề thương mại, nói rằng quyết định quan trọng nhất là việc Việt Nam cách đây gần 40 năm hội nhập với kinh tế thế giới, tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986.
Ông Osius cho rằng quyết định quan trọng thứ hai được phía Mỹ đưa ra vào giữa những năm 1990, khi đàm phán hiệp định thương mại song phương với Việt Nam, với nhận thức rằng điều đó sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các điều khoản trong hiệp định này đều được thiết kế nhằm giúp Việt Nam gia nhập WTO một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Theo ông, quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ từ năm 1995, tiếp theo là việc ký kết hiệp định thương mại song phương vào năm 2002 và Việt Nam gia nhập WTO không lâu sau đó, đã góp phần tạo nền tảng cho nền kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh mẽ.
Cựu đại sứ cho biết vào năm 1996, thời điểm ông lần đầu đến Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương chỉ ở mức vài trăm triệu USD. Tuy nhiên, con số này đã đạt khoảng 132 tỷ USD, phản ánh đà tăng trưởng vượt bậc của mối quan hệ kinh tế song phương. Việt Nam đã chuyển mình từ đối tác thương mại nhỏ thành đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ vào năm 2024.
Ngọc Ánh