Mỹ không quay lưng với Đông Nam Á
GH News July 12, 2025 12:32 AM
Chuyến công du của Ngoại trưởng Rubio tới Malaysia ngày 9-7 cho thấy Mỹ vẫn chọn con đường ngoại giao để giữ vai trò trong bàn cờ khu vực, bất chấp nhiều nước Đông Nam Á đang hứng chịu 'bão thuế quan' từ Washington.
Mỹ không quay lưng với Đông Nam Á - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio xuống máy bay khi đến Căn cứ không quân Subang, Malaysia trong chuyến công du đến nước này ngày 9-7 - Ảnh: REUTERS

Giữa lúc thương mại Mỹ - ASEAN căng thẳng vì các chính sách thuế mới của Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio có chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á.

Trấn an Đông Nam Á

Chuyến thăm Malaysia của Ngoại trưởng Marco Rubio - chuyến công du đầu tiên tới khu vực Đông Nam Á kể từ khi ông nhậm chức - diễn ra trong bối cảnh không thuận lợi.

Cụ thể, Tổng thống Trump, trong những ngày gần đây, đã ký sắc lệnh áp thuế mới từ 25-40% đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN. Động thái này khiến không ít nhà phân tích dự đoán rằng mối quan hệ Mỹ - ASEAN sẽ bước vào giai đoạn lạnh nhạt.

Tuy nhiên theo Hãng tin Reuters, sự xuất hiện của ông Rubio tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Kuala Lumpur cho thấy chính quyền Mỹ tìm kiếm tầm nhìn xa hơn và giữ một chỗ đứng quan trọng tại khu vực.

Mỹ không quay lưng với Đông Nam Á - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan trong cuộc họp lần thứ 58 của các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cuộc họp liên quan tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 10-7 - Ảnh: REUTERS

Do đó dù Washington có thể đang siết chặt các công cụ kinh tế, nhưng mặt trận ngoại giao lại đang được duy trì ở trạng thái mở. Trong cuộc gặp với lãnh đạo các nước ASEAN, ông Rubio liên tục nhấn mạnh rằng các biện pháp thuế quan không đồng nghĩa với việc Mỹ quay lưng với khu vực.

Giới quan sát cho rằng, việc ông Rubio chọn ASEAN là điểm đến trong thời điểm này không phải ngẫu nhiên. Nó gửi đi một thông điệp chiến lược rằng Mỹ vẫn xem Đông Nam Á là "trọng tâm của chính sách đối ngoại", trọng điểm trong cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu.

"Mỹ cam kết lâu dài với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng... Câu chuyện của 50 năm tới phần lớn sẽ được viết tại khu vực này", ông Rubio tuyên bố.

Động thái này theo ông Stephen Olson - nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak - dường như nhằm "trấn an" các đối tác châu Á đang cảm thấy bị tổn thương bởi chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Trump, đồng thời là cách để Washington "đối trọng" với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Đồng quan điểm, ông Greg Poling - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) phân tích: "Có một nhu cầu được đảm bảo rằng Mỹ thực sự coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là chiến trường chính cho lợi ích, là chìa khóa cho an ninh quốc gia của họ".

Duy trì đối thoại với Nga

Đặc biệt, trong chuyến công du tới Malaysia vào ngày 9-7, ông Rubio đã có cuộc gặp bên lề với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong bối cảnh chiến sự Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo Hãng tin Reuters, cuộc hội đàm "thẳng thắn" và "quan trọng" kéo dài 50 phút, với nội dung chính là đề cập đến ý tưởng mới cho hòa bình ở Ukraine.

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và Mỹ vừa nối lại gói viện trợ quân sự mới cho Kiev, cuộc gặp này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định Mỹ vẫn duy trì kênh đối thoại cấp cao với Nga bất chấp căng thẳng leo thang.

Mỹ - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Marco Rubio gặp Ngoại trưởng Sergei Lavrov bên lề cuộc họp tại Kuala Lumpur ngày 10-7 - Ảnh: AFP

Phản ứng sau đó, Điện Kremlin cho biết họ không quá lo lắng về những lời chỉ trích của ông Trump, và sẽ tiếp tục cố gắng hàn gắn mối quan hệ "tan vỡ" với Washington.

Tuy vậy theo một số chuyên gia, việc duy trì đối thoại chưa phần nào giải quyết được căng thẳng hiện có.

Trong bài đăng ngày 10-7 trên tờ Wall Street Journal, ông Daniel Fried - cựu đại sứ Mỹ chuyên trách vấn đề châu Âu - nhận định: "Một sự thật là người Nga không dễ bị ấn tượng và lung lay bởi lời nói. Họ chú ý đến hành động".

Do đó ông Daniel cảnh báo "những cuộc hội đàm nếu không theo sau bằng hành động và chính sách cụ thể, thậm chí có thể làm giảm tầm ảnh hưởng thực sự của Mỹ".

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.