
Học sinh một trường THPT ở TP.HCM dùng điện thoại di động bên ngoài cổng trường - Ảnh: T.T.D.
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa đề xuất không cho học sinh sử dụng điện thoại di dộng trong giờ ra chơi và trong hoạt động giáo dục tại trường. Chỉ riêng những trường hợp giáo viên bộ môn cho phép để thực hiện nhiệm vụ trong giờ học thì học sinh mới được sử dụng điện thoại.
Là một phụ huynh và một giáo viên, tôi hoàn toàn tán thành với đề xuất này.
Thực tế một số trường học đã có quy định chặt chẽ về việc học sinh không được sử dụng điện thoại trong thời gian học tập, vui chơi ở trường.
Nhiều trường học trang bị tủ đựng điện thoại, đầu buổi học, học sinh nộp lại toàn bộ điện thoại cho lớp trưởng bỏ vào tủ và khóa lại. Khi tan trường, các em nhận lại điện thoại để liên hệ bố mẹ đón hoặc đặt xe công nghệ. Đây là cách làm khá hay, phụ huynh đồng lòng ủng hộ bởi việc sử dụng điện thoại trong lớp học khiến học sinh xao nhãng học tập.
Nhưng không phải đồng loạt tất cả các trường học đều nhanh chóng và khẩn trương hạn chế sự phụ thuộc thiết bị công nghệ trong học sinh.
Chính vì vậy hy vọng rằng đề xuất của Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ nhanh chóng thành hiện thực: cấm điện thoại để bắc lại kết nối!
Hãy nhìn lại thực tế có bao nhiêu học sinh đủ ý thức kỷ luật và tự giác để "dế cưng" nằm yên trong cặp và chuyên tâm học tập?
Một bộ phận học sinh sẽ biến điện thoại thông minh trở thành trợ thủ đắc lực cho việc học, còn lại đa phần sa đà vào thế giới ảo.
Khi màn hình điện thoại liên tục nháy sáng, tâm trí trẻ liệu có tập trung giải bài tập, hoạt động nhóm hay chú ý vào lời dặn của thầy cô, câu trả lời của bạn bè?
Không chỉ hao hụt kết nối với việc học, điện thoại di động còn khiến học sinh đứt gãy kết nối với thầy cô, bạn bè trong lớp học.
Facebook chờ đếm lượt like, TikTok bạt ngàn video nhí nhố, game online đầy mê hoặc sẽ luôn khiến mắt trẻ chẳng rời màn hình, tai bỏ qua âm thanh của đời thực.
Người lớn chúng ta còn khó giữ mình để không sa đà vào thế giới ảo, huống hồ gì những đứa trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới". Giờ ra chơi vắng bóng thầy cô là y như rằng học sinh lại cặm cụi lướt mạng, chiến game.
Thế giới ảo lại đầy rẫy cám dỗ và rủi ro khó lường.
Thiếu định hướng và đồng hành đúng đắn từ người lớn, trẻ nhanh chóng trở thành miếng mồi ngon cho bẫy lừa đảo, tin giả. Những cuộc làm quen chóng vánh với người lạ trên mạng ảo đẩy đưa những đứa trẻ dại khờ bỏ nhà đi bụi, bỏ học kiếm việc nhẹ lương cao.
Những bài viết thêu dệt câu chuyện tiêu cực chẳng khác nào luồng khói độc tiêm nhiễm vào tâm trí non nớt, làm lệch lạc giá trị sống của nhiều người trẻ.
Và cả những vụ bạo lực học đường nảy sinh từ chính môi trường mạng. Từ vài bình luận tiêu cực, vài lượt like đã nhanh chóng biến thành những trận đánh hội đồng được điện thoại quay lại trong tiếng cười chói tai, lời lẽ phản cảm.
Bao nhiêu câu chuyện đẹp trong học đường đã bị lướt qua khi con trẻ mải mê với màn hình di động.
Câu hỏi han bạn bè khi bắt gặp ánh mắt vương buồn; lời bông đùa trêu ghẹo của tuổi "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò"; một trận bóng sôi động trong tiếng cổ vũ; mấy mái đầu túm tụm chơi banh chuyền, bắn bi, lật thẻ, ô ăn quan… vẫn luôn là chất keo gắn kết tình bè bạn.
Chỉ khi nào màn hình di động ít hiện diện, tình bạn tuổi học trò mới có cơ hội nảy mầm xanh tươi.
Chính vì vậy, đề xuất cấm điện thoại trong giờ ra chơi và các hoạt động giáo dục của nhà trường cần nhanh chóng triển khai thực hiện để học sinh bắc lại kết nối với bài học, kết nối với bạn bè, kết nối với điều tử tế trong môi trường học đường.
Thăm dò ý kiến
Sở GD-ĐT TP.HCM dự kiến cấm học sinh dùng điện thoại di động trong giờ ra chơi và trong hoạt động giáo dục tại trường, trừ một số trường hợp. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.