Từ vụ ô tô tông liên hoàn 12 xe máy: Vì sao khi nhầm chân ga, tài xế càng đạp mạnh thay vì đổi bên?
GH News July 12, 2025 11:32 PM
Sự căng thẳng tột độ, tín hiệu "lệch lạc" giữa não bộ và cơ bắp khiến nhiều tài xế không thể chuyển sang chân phanh khi nhầm chân ga.
nhầm chân ga - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn trên khu vực đường Trần Đại Nghĩa - Đại La (phường Tương Mai, Hà Nội) - Ảnh: Đ.C.

Tăng tốc ngoài ý muốn là hiện tượng phương tiện tăng tốc bất ngờ, không mong muốn và mất kiểm soát, thường đi kèm với cảm giác "phanh không ăn". Hầu hết nguyên nhân bắt nguồn từ việc người lái đạp nhầm chân ga khi định đạp phanh, bên cạnh một số trường hợp khách quan (nhưng không nhiều) như hư hỏng ở hệ thống chân ga/phanh, có vật chèn lên chân ga…

Nhiều trường hợp khi nhấn nhầm chân ga, thay vì chuyển sang chân phanh để dừng xe, họ lại đạp ga mạnh hơn, dẫn đến những vụ tai nạn với hậu quả đắt đỏ, như vụ ô tô tông liên hoàn 12 xe máy ở Hà Nội vừa qua.

Tài non, người cao tuổi dễ nhầm chân ga

Theo nghiên cứu của Richard Schmidt - giáo sư tâm lý học của Đại học California (Mỹ) vào những năm 1980, những sự cố như vậy thường xảy ra khi người lái mới bước vào xe.

Trong những trường hợp này, người lái định đạp nhẹ phanh, nhưng vô tình đạp nhầm chân ga và tiếp tục giữ nguyên khi xe tăng tốc đến khi xảy ra va chạm.

Người lái thường cho rằng hệ thống tăng tốc có vấn đề hoặc phanh bị hỏng. Trong khi thực tế các xe đều được xác nhận là không có lỗi kỹ thuật.

nhầm chân ga - Ảnh 2.

Mặc dù có một số trường hợp nguyên nhân khách quan, nhưng phần lớn các vụ "tăng tốc đột ngột" là do tài xế nhầm chân ga - Ảnh: Class Action Lawsuits

Giáo sư Schmidt cho rằng các sự cố tăng tốc ngoài ý muốn thường do con người. Ông nhận thấy hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn gấp 6 lần ở người cao tuổi (60 - 70 tuổi), người chưa quen xe và những người có vóc dáng thấp.

Nghiên cứu của Transport Research Laboratory (TRL) tại Anh năm 2023 cho thấy tỉ lệ tai nạn "nhầm chân ga" cao hơn ở các tuyến đường nhỏ, đường cấp thấp hoặc khu vực đỗ xe tư nhân - những nơi có giới hạn tốc độ thấp.

Phần lớn các trường hợp nhầm chân ga (khoảng 49%) xảy ra khi xe mới khởi động. Các tình huống va chạm phổ biến nhất là khi xe đang di chuyển chậm để tấp vào lề, đỗ xe hoặc vào cua. Các tài xế lớn tuổi và nữ giới thường có liên quan đến các vụ tai nạn do nhầm chân ga hơn.

Một số nhà nghiên cứu khác đưa ra giả thuyết rằng: Người lái khi định đạp phanh để giữ xe không trôi, lại vô tình đạp nhầm chân ga. Khi thấy xe lao lên bất ngờ, họ hoảng loạn và tiếp tục đạp mạnh hơn, dẫn đến việc xe tăng tốc thêm. Cuối cùng, chiếc xe đạt vận tốc khó kiểm soát và lao vào người/vật xung quanh.

Vì sao nhầm chân ga, tài xế không đổi bên đạp?

Trong các vụ việc đưa ra tòa, bồi thẩm đoàn thường đặt câu hỏi: Tại sao một người đã lái xe hàng chục năm lại có thể nhầm giữa chân phanh và chân ga? Và tại sao tai nạn kéo dài đến 6 - 10 giây mà không tắt máy, chuyển số hoặc kéo phanh tay?

Từ vụ ô tô tông liên hoàn 12 xe máy: Vì sao khi nhầm chân ga, tài xế càng đạp mạnh thay vì đổi bên? - Ảnh 3.

Tài xế lớn tuổi lái Chevrolet Cobalt đâm vào xe tải, rồi nhầm chân ga với chân phanh, lùi một cách quá đà, cuối cùng đâm vào cột điện - Ảnh: Carscoops

Giải đáp câu hỏi thứ nhất, các nhà nghiên cứu cho biết trong những tình huống này, người lái không thực sự "nhầm lẫn" giữa hai bàn đạp, mà là chân không làm đúng theo lệnh của não.

Quá trình thần kinh-cơ (mối quan hệ và tương tác giữa hệ thần kinh và hệ cơ bắp) "ồn ào" can thiệp và khiến chuyển động khác đi một chút so với dự định. Người lái định đạp phanh, nhưng do tác động của các quá trình này, bàn chân lệch hướng. Tình trạng này dễ xảy ra hơn khi người lái ngồi lệch vị trí trong ghế lái lúc mới vào xe.

Về câu hỏi thứ hai, khi xe tăng tốc bất ngờ, người lái thường hoảng loạn và chỉ càng đạp mạnh hơn vào thứ mà họ nghĩ là phanh. Khi tài xế trong trạng thái căng thẳng, hoảng loạn, phản ứng "chống trả hay bỏ chạy", còn được gọi là phản ứng căng thẳng cấp tính, dễ xuất hiện.

Trong trạng thái này, tài xế thường không nghĩ đến các biện pháp xử lý khác như tắt máy, kéo phanh tay, chuyển bàn đạp, hay chuyển số về N, mà đạp mạnh bàn đạp (mà họ nghĩ là phanh) để dừng xe, trong khi thực tế chân vẫn ở bàn đạp ga.

Tài xế đạp ga mạnh hơn trong vô thức

nhầm chân ga - Ảnh 4.

Trong các sự cố tăng tốc bất ngờ, người lái thường nhận thức và tìm cách xử lý đúng, nhưng thực hiện sai động tác - Ảnh minh họa do AI tạo

Năm 2011, Sở Giao thông London (Anh) đã tài trợ một nghiên cứu về lỗi "nhầm chân ga". Nghiên cứu này chia quá trình lái xe thành 6 giai đoạn:

Giai đoạn dự đoán: Người lái sử dụng kinh nghiệm và kỳ vọng để quan sát môi trường xung quanh.

Giai đoạn nhận biết: Phát hiện một yếu tố cần chú ý (ví dụ, trạm xe buýt).

Giai đoạn xử lý thông tin: Dựa vào kinh nghiệm để đưa ra quyết định (ví dụ "đây là điểm dừng cần ghé"). Giai đoạn này có thể bị bỏ qua nếu "quá quen thuộc".

Giai đoạn phản ứng: Quyết định được chuyển thành hành động (ví dụ xoay tay lái và đạp phanh)

Giai đoạn hành động: Thực hiện kế hoạch (ví dụ đạp phanh và xoay vô lăng).

Vòng phản hồi: Quan sát kết quả để kiểm tra xem hành động có đạt được mục tiêu (ví dụ cảm nhận âm thanh, rung động xe để xem xe có chậm lại không).

Lỗi có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào. Trong các sự cố tăng tốc ngoài ý muốn, người lái thường nhận thức và xử lý đúng, nhưng thực hiện sai động tác - nhầm chân ga. Điều này là do người lái không xác định chính xác vị trí của bàn chân, kết hợp với trạng thái mất tập trung/căng thẳng, khiến não bộ không thể xử lý đủ các bước trên, khiến tài xế đạp ga mạnh hơn trong vô thức.

Hiện nay, nhiều xe đã được trang bị thêm các tính năng an toàn để ngăn ngừa việc đạp nhầm chân ga. Hệ thống Brake Override System (BOS), đã xuất hiện trên một số xe của Chrysler, BMW, Mercedes, Nissan, Volkswagen, Audi, Toyota, Mazda, Mitsubishi, Hyundai, được thiết kế để ưu tiên phanh, hoặc ngắt bàn đạp ga, khi cả chân phanh và chân ga được nhấn cùng lúc.

Tuy nhiên mọi sự can thiệp của máy móc chỉ mang tính chất tương đối, quyết định vẫn nằm trong tay người điều khiển.

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.