Tiếng loa quảng cáo từ xe hàng rong bủa vây người dân, phạt thế nào mới đúng?
VnExpress July 13, 2025 01:23 AM

Sự ồn ào từ loa quảng cáo trên xe hàng rong là ác mộng với cư dân. Người bán hàng thấy đây là hình thức rao thông tin thuận tiện mà không biết có thể bị phạt tới 160 triệu đồng.

Hàng sáng lúc 5h30, chị Thùy Dương, 31 tuổi dậy trải thảm, chuẩn bị tập yoga tranh thủ lúc con ngủ. Đường xá Hà Nội vẫn yên ắng, lác đác người đi thể dục và chạy chợ sớm. Không khí này chỉ kéo dài đến nửa bài tập khởi động của chị. Ngay sau đó những tiếng loa lè rè chát chúa bắt đầu xâm chiếm cả khu phố.

"Trứng gà lộn, trứng gà ấp dở, 15 quả 30 nghìn, 30 quả 55 nghìn", "Món ăn đường phố số 1 Việt Nam, ăn là nhớ". Trộn giữa những tiếng loa rao hàng là tiếng nhạc nền xập xình. Con thức giấc vì tiếng ồn. Buổi tập yoga của chị kết thúc.

>> Audio quảng cáo hàng rong kéo dài một phút thường "tra tấn" chị Dương.

"Mình tưởng xe đi rong, chỉ vài phút là hết. Nhưng không nó cứ đứng lì đấy đợi người ta đến mua hay sao ấy. Cái kiểu nghe cùng một nội dung, lặp đi lặp lại suốt nửa tiếng, bắt đầu một ngày như thế ức chế khủng khiếp", chị Dương nói.

Những tiếng người rao hàng rong xưa là hoài niệm đẹp đẽ với nhiều người Hà Nội như chị. Nhưng khi loa đài, công nghệ thu âm đã hỗ trợ nhiều cho người bán hàng, chị thấy sự phiền toái đã lấn át tiện lợi.

Phố nhỏ nhà Dương dù là ngõ cụt, hằng ngày vẫn nghe không sót mặt hàng gì, từ đồ ăn đến thuốc chuột, chương trình khuyến mại, khai trương, show diễn ca nhạc, xiếc thú...

"Đường của chung, người ta cũng mưu sinh vất vả. Nhưng chỉ mong họ mở âm lượng nhỏ xuống đủ nghe để khỏi phiền", chị nói.

Dọc đường đi làm của Dương, cách vài ngã tư cũng có xe bán trái cây, một xe bán đồ chơi, giày dép bày ngay vỉa hè, hoặc cửa tiệm mặt bằng to đẹp cũng phát đi phát lại những bài quảng cáo đinh tai nhức óc. Chị và nhiều người đứng chờ đèn đỏ quay sang nhìn bất lực.

"Trời nắng, tắc đường mà loa cứ ra rả vào tai. Nhưng mình chỉ đi qua vài phút, chẳng tiện nhắc", chị nói.

Theo chia sẻ của một người bán hàng, từ lúc có loa, việc rao hàng đỡ mệt. Mức độ "phủ sóng" cũng tốt hơn. "Em nghe cả ngày, anh chị đi qua có một lúc, có làm sao đâu", một người bán đồ chơi đồng giá 39.000 đồng trên vỉa hè Hà Nội chia sẻ.

Bán hàng rong gắn theo loa quảng cáo là vi phạm pháp luật

Luật sư Nguyễn Đại Hải, Công ty luật TNHH Fanci, cho hay việc quảng cáo bằng loa phát thanh được đặt trên các phương tiện giao thông và đặt loa trên vỉa hè để bán hàng là vi phạm pháp luật.

Cụ thể, Luật Quảng cáo cấm quảng cáo bằng loa phóng thanh gắn với phương tiện giao thông và các phương tiện di động khác tại nội thành, nội thị của thành phố, thị xã (khoản 2, Điều 33).

Nghị định 38/2021 quy định mức phạt tiền với hành vi này là 3-5 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, theo khoản 2, khoản 3, Điều 44.

Theo luật sư, nếu việc quảng cáo có dấu hiệu ô nhiễm tiếng ồn làm ảnh hưởng người dân có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 1-160 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 3-12 tháng với cơ sở gây ô nhiễm tiếng ồn (căn cứ điều 22, Nghị định 45/2022).

Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn đã được Bộ Tài nguyên Môi trường quy định tại Mục 2.1 Thông tư 39/2010 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Theo đó, tại khu vực đặc biệt (khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác) giới hạn tiếng ồn tối đa cho phép là 55dBA (từ 6h đến 21h) và 45dBA (21h đến 6h).

Tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).

Đối với việc bán hàng vỉa hè đặt loa quảng cáo tại chỗ, theo luật sư bên cạnh khả năng bị xử phạt về hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, người vi phạm còn bị xử phạt về hành vi sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo (Khoản 7, Điều 12, Nghị định 168/2024). Mức phạt cho vi phạm này là 2-3 triệu đồng với cá nhân và 4-6 triệu đồng với tổ chức.

"Hai hành vi trên vừa vi phạm về quảng cáo, về sử dụng diện tích đường bộ, vừa ô nhiễm tiếng ồn và gây phiền hà cho người dân. Do đó, khi gặp trường hợp này, người dân có thể gửi đơn phản ánh, hoặc báo cáo trực tiếp tại trụ sở cơ quan công an xã, phường, khu vực quản lý tại địa phương để tiến hành nhanh chóng lập biên bản xử lý các vi phạm", luật sư Hải khuyến cáo.

Việc quảng cáo trên xe có phát loa được các nước quy định chặt chẽ, hoặc cấm hoàn toàn.

Tại Mỹ quy định này do các bang tự quyết. Chính quyền địa phương có quyền cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt. Ví dụ, New York cấm phát âm thanh lớn hơn 42 dB tại khu dân cư vào các khung giờ nghỉ ngơi. Xe quảng cáo phát loa phải xin phép và giới hạn âm lượng. Tại San Diego, California, xe quảng cáo chỉ được hoạt động khi có giấy phép đặc biệt, giới hạn tần suất, địa điểm...

Nhật Bản cho phép loại hình này (chủ yếu cho chiến dịch tranh cử, thương mại lớn), gọi là các gaisensha, giới hạn âm thanh dưới 70 dB, phải đăng ký trước tuyến đường, giờ hoạt động với cảnh sát khu vực và không được dừng ở một địa điểm quá 10 phút.

Luật kiểm soát tiếng ồn của Đức cấm hoàn toàn các hình thức quảng cáo gây ô nhiễm âm thanh từ xe gắn loa. Hành vi này nếu ở São Paolo (Brazil) và London (Anh) có thể bị phạt tới 5.000 bảng (180 triệu đồng).

Hải Thư

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.