
(VTC News) -
Nhiều người vẫn thường kết hợp lá tía tô với chanh, gừng, sả, vậy uống nước lá tía tô với chanh, gừng, sả có tác dụng gì?
Uống nước lá tía tô với chanh, gừng, sả có tác dụng gì?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Lương y Trần Đăng Tài cho biết, nước lá tía tô với chanh, gừng và sả mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Trong đó, hỗn hợp thức uống này theo y học cổ truyền được đánh giá là giúp thông tiểu, làm giảm các triệu chứng bên ngoài, thúc đẩy lưu thông máu, thông ứ, thúc đẩy tiêu hóa, giảm buồn nôn và nôn. Chúng còn giúp thanh nhiệt, hạ nhiệt độ và phục hồi sức sống. Dưỡng huyết, thúc đẩy lưu thông máu, cải thiện tình trạng thiếu máu.
Nếu có các triệu chứng như cảm lạnh, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, thể trạng tương đối yếu, có thể uống nước lá tía tô, gừng, sả và chanh để cải thiện tình trạng bệnh lý trên.
Ngoài ra phụ nữ thường bị đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều thì cũng có thể kết hợp các loại trên để làm trà uống có tác dụng điều hòa kinh nguyệt nhất định.
Trong y học cổ truyền lá tía tô, sả, gừng là loại có tính cay, tính ấm. Chúng thuộc về kinh phế vị, có tác dụng thanh nhiệt, bổ khí, điều hòa dạ dày, chúng có tác dụng làm ấm cơ thể, xua tan lạnh và tản nhiệt, đặc biệt thân thiện với những người có cơ địa lạnh. Đặc biệt hơn tác dụng của các loại dược liệu này điều trị cảm lạnh rất hiệu quả.
Uống nước lá tía tô với chanh, gừng, sả có thể chống viêm và diệt khuẩn rất tốt. Sự kết hợp này có thể làm hạn chế tác hại của các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng và vi khuẩn Shigella dysenteriae.
Ngoài ra, việc kết hợp các loại tía tô với chanh, sả, gừng với nhau không chỉ tăng cường tác dụng chữa bệnh lên mà còn thúc đẩy giải phóng các thành phần hoạt tính trong các loại thảo dược trên, giúp chúng phát huy tác dụng chữa bệnh tốt hơn. Sự kết hợp này có hiệu quả trong điều trị các bệnh viêm nhiễm như viêm ruột và viêm chân răng.
Cách làm: Kết hợp tía tô với gừng, sả và chanh rất đơn giản. Chuẩn bị tía tô đỏ hoặc trắng rửa sạch để ráo nước. Gừng, sả rửa sạch, chanh nên vắt bỏ nước để riêng dùng vỏ tất cả hỗn hợp cho vào đun sôi rồi uống.
Bạn có thể để nguội và cho thêm một chút cốt chanh vào uống nếu thích vị hơi chua chua. Chú ý không nên cho nhiều quá ảnh hưởng đến dạ dày. Hỗn hợp này cũng có tác dụng điều hòa khí huyết, làm giảm hiệu quả chứng đau đầu, đau thần kinh.
Các bài thuốc khác từ lá tía tô
Ngoài kết hợp cùng chanh, sả, gừng, Báo VnExpress dẫn lời lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, chỉ ra một số bài thuốc chữa bệnh từ lá tía tô như sau:
Lá tía tô sắc cùng hành hoa, lượng tùy dùng, tác dụng giải cảm. Hoặc, lấy 20 lá tươi giã, vắt lấy nước cốt uống hoặc thái nhỏ trộn cháo nóng ăn, đắp chăn nằm nghỉ cho ra mồ hôi, chữa cảm cúm không có mồ hôi và ho tức ngực.
Chữa cảm, sốt rét, nhức đầu nghẹt mũi, ho đờm bằng: Tử tô (hạt), cát căn, trần bì, cát cánh, chỉ thực, cát sâm, bạch linh, bán hạ chế, cam thảo, mộc hương, mỗi loại 10 g; sinh khương 5 lát, đại táo ba quả, sắc uống. Ngoài ra, dùng gừng đánh gió ở hai bên gáy và dọc xương sống.
Tía tô tươi, lượng tùy nhu cầu, ngâm với giấm thanh, uống 1-3 thìa cà phê một ngày, chữa nhức đầu, nóng lạnh, ho khò khè.
Hạt tía tô sao, bạch giới tử sao, hạt cải củ sao, mỗi loại 12 g, giã dập, sắc uống mỗi ngày; hoặc tán bột làm viên, uống 4-8 g/ngày với nước sắc lá táo chua và dây tơ hồng, chữa ho, hen suyễn, ho đờm mạn tính ở người già.