Trong thời đại công nghệ số, nhưng trên thế giới vẫn còn những thị trấn nhỏ lặng lẽ níu giữ hồn sách - không bằng công nghệ, mà bằng tình yêu và cộng đồng.
Trong thời đại mà mọi thứ đều có thể được lướt qua bằng một cái chạm tay, vẫn còn những thị trấn nhỏ lặng lẽ níu giữ hồn sách - không bằng công nghệ, mà bằng tình yêu và cộng đồng. Những địa phương nhỏ bé nhưng đầy sức sống ấy lưu giữ lịch sử và cảnh quan đặc sắc, truyền cảm hứng cho văn hóa đọc trên toàn cầu. Các hiệu sách cũ, lễ hội văn chương, giá sách bên lề đường… tất cả tạo nên một mạng lưới văn hóa đầy sức sống - nơi sách không chỉ được bán, mà được sống cùng con người.
Hay-on-Wye: Cái nôi của "thánh địa văn chương"
Tại ngôi làng nhỏ Hay-on-Wye ở xứ Wales, nơi cừu còn nhiều hơn người và sách tràn ra cả vỉa hè, một cuộc cách mạng thầm lặng đã bắt đầu vào năm 1961, khi nhà buôn sách cổ kiêm học giả Richard Booth quyết định biến quê hương buồn tẻ của mình thành một thiên đường sách bằng cách tận dụng các công trình không dùng đến để mở tiệm sách cũ.
Người dân từ khắp Vương quốc Anh đổ về thị trấn nhỏ này, kéo theo các nhà buôn sách từ các quốc gia khác. Họ nhanh chóng biến các công trình bỏ hoang thành những hiệu sách nhộn nhịp. Hay-on-Wye trở thành thị trấn sách đầu tiên trên thế giới, đón tiếp hàng ngàn du khách mê sách mỗi năm. Richard Booth tự xưng là “Vua của Hay” và truyền cảm hứng cho các cộng đồng khác biến văn hóa đọc thành động lực phát triển địa phương. Từ thành công vang dội của Hay-on-Wye, nhiều thị trấn trên khắp thế giới đã học theo mô hình này.
Redu – Vùng quê thơ mộng đắm trong hương sách cũ
Tọa lạc giữa những ngọn đồi yên bình của vùng Wallonia (Bỉ), Redu trở thành thị trấn sách thứ hai thế giới vào năm 1984. Lấy cảm hứng từ thị trấn sách ở Hay-on-Wye, người bán sách Noël Anselot đã thuyết phục một vài nhà buôn sách người Bỉ đến định cư tại đây vào năm 1984. Những người bán sách khác cũng nhanh chóng theo chân, mua lại một ngôi trường cũ, một nhà kho lớn và cả một trang trại nuôi ốc bỏ hoang. Ngôi làng nhỏ khoảng 400 cư dân này từng có hơn 20 hiệu sách chuyên biệt, chật kín những cuốn sách quý hiếm, áp phích và tranh in. Người dân địa phương từng đùa rằng, ở đây có nhiều hiệu sách hơn cả bò. Tuy nhiên, con số đó giờ chỉ còn khoảng hơn chục tiệm, khi các chủ tiệm sách vật lộn để tồn tại trong thời đại internet.
Ngôi làng nhỏ Redu được miêu tả là “ngào ngạt hương sách cũ.” Hằng năm, nơi đây tổ chức lễ hội sách quy mô lớn, thu hút hàng trăm du khách đến trải nghiệm văn hóa, lịch sử, kiến trúc và thiên nhiên. Vào tháng 7/2024, Redu cùng hai thôn nhỏ Lesse và Séchery đã được đưa vào danh sách “Những ngôi làng đẹp nhất Wallonia.”
Wigtown - Trái tim của văn hóa sách xứ sở sương mù
Được chỉ định là "thị trấn sách quốc gia của Scotland" từ năm 1998, Wigtown là nơi cư trú của nhiều hiệu sách tuyệt vời, mỗi nơi lại có một dáng vẻ và phong cách khác nhau. Bạn sẽ bắt gặp những cuốn sách bán chạy mới tinh được xếp ngay bên cạnh những chồng sách cũ, ở phía sau còn có hẳn một căn phòng dành riêng cho các đầu sách hiếm và sách cổ.
Với hơn 250.000 đầu sách mới và cũ, Wigtown là một trong những thị trấn đầu tiên tham gia Lễ hội Thị trấn Sách Quốc tế năm 1998. Với 16 cửa hàng sách, chủ yếu là sách cũ, thị trấn Wigtown tổ chức các sự kiện như “Spring Weekend” vào tháng 5, hội chợ cộng đồng vào tháng 7, chợ sách mỗi thứ Bảy từ tháng 4 đến tháng 9, và Lễ hội Sách Wigtown vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 - lễ hội kéo dài 10 ngày cùng hơn 200 sự kiện văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật và ẩm thực.
Torup -Thị trấn sách tự phục vụ độc đáo nhất châu Âu
Cách thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) khoảng 60km, Torup chỉ có 374 cư dân, nhưng lại là nơi hội tụ của những hiệu sách độc đáo nhất. Những hiệu sách tại đây có thể là nhà để xe, chuồng ngựa bỏ hoang, túp lều hoặc chỉ là giá sách dựng bên đường. Hầu hết hoạt động trên cơ sở tự phục vụ: khách tự chọn sách và để lại tiền vào hũ. Hiệp hội Thị trấn Sách Torup tổ chức Lễ hội Sách Bắc Âu thường niên với các buổi đọc sách, phim ngắn, hoạt động văn hóa và giao lưu tác giả.
Torup được The Guardian vinh danh là một trong những thị trấn sách tốt nhất thế giới. Torup Bogby, hay "Hiệp hội Thị trấn Sách Torup", đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc tại địa phương, đồng thời đầu tư lợi nhuận từ việc bán sách vào các sáng kiến cộng đồng, góp phần phát triển khu vực nông thôn.
Featherston - Thị trấn sách trẻ trung nhất Nam bán cầu
Tọa lạc tại vùng Wairarapa, phía Đông Bắc Wellington - thủ đô New Zealand - Featherston được công nhận là thị trấn sách chính thức vào năm 2018. Được bao quanh bởi phong cảnh hữu tình, đồi núi và vườn nho, nơi đây nổi tiếng với lễ hội sách tổ chức vào tháng 5 hằng năm. Featherston còn triển khai nhiều sáng kiến khuyến khích cộng đồng phát triển thông qua việc đọc sách, viết văn và chia sẻ tri thức trên khắp Wairarapa và toàn quốc.
Featherston đã phát triển ứng dụng âm thanh miễn phí Book Lover's Trail - Te Ara Kai Pukapuka, cho phép người yêu sách di chuyển từ Wellington qua vùng Wairarapa đến Hawke’s Bay, ghé thăm nhiều hiệu sách và lắng nghe những câu chuyện của người bán sách dọc theo bờ Đông của Đảo Bắc.
Saint-Pierre-de-Clages - Nơi sách gặp gỡ nghệ thuật
Ngôi làng duy nhất tại Thụy Sĩ mang danh hiệu “Làng sách” - Le Village Suisse du Livre - nằm tại Saint-Pierre-de-Clages. Lễ hội sách tại đây được tổ chức từ năm 1993, vào cuối tuần cuối cùng của tháng 8, với các gian hàng sách, hội thảo, triển lãm, hoạt động thiếu nhi và nhiều sự kiện nghệ thuật. Ngôi làng cũng là nơi quy tụ những người làm nghề sách truyền thống như thư pháp và in ấn cổ, đồng thời tạo không gian kết nối giữa tác giả, nhà xuất bản và nghệ sĩ.
Chủ đề của Lễ hội Sách năm 2025 là Cuốn sách lên sân khấu, với các triển lãm liên quan đến điện ảnh và sân khấu. Lễ hội cũng có nhiều hoạt động dành cho khán giả nhỏ tuổi, bao gồm xưởng vẽ và đọc truyện có nhạc minh họa. “Góc của nhà văn” là không gian đặc biệt dành riêng cho các tác giả, nơi diễn ra các buổi tọa đàm, phỏng vấn và giao lưu với những nhà văn tham gia lễ hội.