Đồng NaiNửa năm sau khi vợ bỏ đi, anh Đinh Duy Lương, 51 tuổi, như gục ngã lần nữa khi hay tin con bị ung thư máu.
"Lòng tôi quặn thắt mỗi lần nhìn con khóc ngằn ngặt", anh nói.
Anh Lương làm rẫy ở thị xã Bình Long, tỉnh Đồng Nai, ly hôn vợ đầu đã hơn 10 năm. Khi hai con gái, 25 và 27 tuổi, đã ổn định công việc tại TP HCM, anh tái hôn với người phụ nữ đồng hương.
Tuy nhiên, giữa năm 2023, tình cảm họ rạn nứt, vợ anh bỏ đi Hà Nội làm ăn, để lại bé Duy Khang, sinh năm 2021, mắc bệnh rối loạn tăng động.
Đầu năm 2024, bé Khang có triệu chứng sốt nhẹ, tay lốm đốm vết bầm như bị ngã. Ban đầu, anh Lương nghĩ con bệnh vặt, nhưng khi cánh tay trái mất cảm giác, anh hốt hoảng đưa bé đến chục phòng khám, bệnh viện ở TP HCM và Đồng Nai nhưng không rõ bệnh. Gần một tháng sau, triệu chứng lan xuống chân trái, cũng bị liệt.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, sau một tuần theo dõi và làm sinh thiết, bác sĩ kết luận bé bị ung thư máu. "Nghe tin, đầu óc tôi quay cuồng, không biết phải làm sao", anh Lương nhớ lại.
Trong đêm, hai bố con ôm nhau khóc. Tài sản duy nhất anh Lương có là căn nhà cấp 4 nền gạch, mái tôn do bố mẹ để lại cùng mảnh vườn sầu riêng. Thu nhập từ vườn chỉ khoảng hai triệu đồng mỗi tháng.
Khi con đã ngủ, anh gọi gần hết danh bạ để vay 10 triệu đồng đưa bé Khang đi viện. Tháng 4/2024, bé bắt đầu đợt hóa trị đầu tiên, cùng lời động viên của bác sĩ "bố vững tâm thì mới cùng con chiến đấu được".
Khang trở thành "chiến binh" nhỏ tuổi nhất trong phòng. Trước đó, cháu kén ăn, bệnh càng nặng càng khó ăn hơn. Sau đợt hóa trị đầu tiên, bé nằm liệt giường hơn một tháng, cân nặng giảm từ 18kg xuống 12kg, chân mềm nhũn. Mỗi buổi chiều, anh xốc nách con tập đi ở hành lang bệnh viện, nhưng vài bước cháu lại đổ nhào rồi òa khóc.
Cháu Đinh Duy Khang ở khu vui chơi thuộc TP HCM, tháng 4/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Bao lần muốn buông xuôi, nhưng nhìn con, tôi không thể bỏ cuộc", anh nói Hè năm ngoái, bác sĩ cho Duy Khang về nhà, con hay ngồi trước sân ngẩn ngơ nhìn các bạn.
Một buổi chiều, thấy bạn cùng lứa chạy nhảy, Khang cuống quýt đòi bố xốc nách đuổi theo. Từ những bước chập chững, cháu dần đi được, rồi chạy. Anh Lương mừng rơi nước mắt.
Ở toa hai và toa ba, sức khỏe Khang hồi phục nhanh nhưng ăn uống vẫn rất khó khăn. Hàng ngày, Lương nhận cơm từ thiện và dồn hết tiền để mua cháo, sữa cho con.
"Nhưng đứa trẻ ba tuổi cần hơi mẹ hơn là cần ăn", anh nói. Dù ba tuổi, chưa nói được nhiều, nhưng Khang cảm nhận rõ sự vắng mặt của mẹ và nỗi đau bệnh tật.
Giữa tháng 4, trong lần chọc tủy, bé Khang đang nằm trên giường bệnh thì được mẹ đến thăm. Lúc đầu, bé chỉ lờ mờ thấy hình bóng cho đến khi mẹ cất tiếng gọi, Khang vùng dậy, ôm chặt. Cả hai bố con em đều khóc.
"Trẻ con không biết gì, nhưng lại chịu thiệt thòi nhất", anh nói. "Tôi chỉ mong con có tình thương của mẹ để đủ sức vượt qua bệnh".
Nhưng trước mắt, kinh phí điều trị cho con vẫn còn treo lơ lửng trong tâm trí anh. Bé Khang sẽ phải theo phác đồ trong 3-5 năm, kinh phí hàng trăm triệu. Tỷ lệ thành công cao, nhưng nếu bé kháng thuốc, họ phải thay phác đồ.
"Tôi chỉ biết cố gắng, ngày nào qua được là quý giá", anh Lương nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây:
Ngọc Ngân