Hoàng Long, thủ khoa trường Đại học Khoa học Tự nhiên với GPA 3.91/4, nói điều tâm đắc nhất thời đại học là biết trân trọng quá trình suy nghĩ, đặt câu hỏi, hơn là chỉ tập trung vào kết quả.
Nguyễn Hoàng Long, 22 tuổi, là sinh viên K66 chương trình Cử nhân tài năng, ngành Toán học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong hơn 900 sinh viên của trường nhận bằng tốt nghiệp năm nay, Long có điểm trung bình học tập (GPA) cao nhất.
"Mình chưa từng đặt mục tiêu trở thành thủ khoa", Long chia sẻ. "Với mình, điều quan trọng hơn là khối lượng kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập".
Điều này cũng được Long chia sẻ khi phát biểu trong lễ tốt nghiệp chiều 13/7. Nam sinh cho hay bên cạnh những kiến thức bổ ích được dạy trên giảng đường, điều tâm đắc nhất là học được "kỹ năng đặt câu hỏi".
Long nhìn nhận đây là một bản năng của con người. Khi còn nhỏ, mọi người thường đặt rất nhiều câu hỏi về thế giới xung quanh. Nhưng khi lớn lên, một cách vô thức, Long đã dần quên mất việc đặt câu hỏi, sự ưu tiên tập trung vào việc giải được nhiều bài tập nhất có thể. Nam sinh nhận ra điều này khi vào đại học, trong các bài giảng, thay vì tập trung vào số lượng, thầy cô luôn hướng sinh viên đến việc hiểu kỹ nội dung bài học thông qua những câu hỏi: ta muốn làm gì, ta phải làm gì, tại sao ta phải làm vậy, liệu có thể cải thiện được không,...
"Từ đó, trí tò mò đã được khơi gợi, và mình bắt đầu biết trân trọng quá trình suy nghĩ, đặt những câu hỏi, hơn là chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng", Long nói. "Nhờ có trải nghiệm này, mình đã dần dần chiêm nghiệm được câu nói: Cuộc sống là hành trình, không phải là đích đến".
Long kể, hành trình đến với Toán chuyên sâu khá tình cờ. Khi thi vào lớp 10, Long chợt nảy ra ý định thử sức vào trường chuyên. Nam sinh chọn chuyên Toán, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, bởi đây là môn bản thân học tốt nhất, và "làm được khá nhiều bài ở trên lớp".
"Trúng tuyển, mình mới bắt đầu nghiêm túc với môn học này", Long kể. Nam sinh sau đó vừa học, vừa tìm tòi thêm kiến thức nâng cao và làm quen với tài liệu nước ngoài, được chọn tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi Toán thành phố, rồi cấp quốc gia.
"Lúc đầu mình phải dùng công cụ dịch, nhưng đọc nhiều rồi cũng quen. Lên đến lớp 11 thì mình đọc tài liệu bằng tiếng Anh khá thoải mái", Long nhớ lại.
Năm lớp 11, Long giành giải ba thi học sinh giỏi quốc gia, và một năm sau chinh phục giải nhất. Long cho hay dù không có ý niệm gì về công việc của một người nghiên cứu Toán song vẫn luôn mơ ước trở thành một nhà Toán học, đơn giản bởi đây là môn học sở trường. Nam sinh chọn trường Đại học Khoa học Tự nhiên, được tuyển thẳng vào chương trình Cử nhân tài năng Toán học.
Suốt bốn năm đại học, Long đều trong nhóm sinh viên dẫn đầu ngành. Bí quyết học tập của Long là chia nhỏ kiến thức để ôn luyện theo tuần, tránh trạng thái bị dồn dập vào sát kỳ thi.
"Trước mỗi kỳ thi, mình thường tổng hợp kiến thức trong 5 - 7 ngày bằng cách ghi lại các đề mục chính rồi tự nhớ lại bài giảng", Long chia sẻ.
Trong các học phần, Long đặc biệt yêu thích môn Đại số tuyến tính 3. Tiếp xúc với lĩnh vực Hình học đại số, nam sinh được truyền cảm hứng để tìm hiểu sâu hơn. Từ đó, Long tự mày mò học kiến thức cơ bản qua cuốn sách nổi tiếng "The Rising Sea: Foundations of Algebraic Geometry" của giáo sư Ravi Vakil - Chủ tịch Hội Toán học Mỹ.
"Sau một thời gian tìm hiểu, mình thấy chủ đề này rất thú vị, đặc biệt là phần lý thuyết kỳ dị. Nhưng để đi xa hơn, mình cần người trao đổi", Long kể.
Nhờ gợi ý từ các anh, chị khóa trên, Long chủ động tìm đến thầy Lê Quý Thường, nhờ hướng dẫn và xin tham gia nghiên cứu với thầy từ năm thứ hai, về các iđêan Jacobian bậc cao và tích phân p-adic (các lĩnh vực của Hình học đại số).
Đến năm thứ ba, Hoàng Long nhận thấy tiềm năng của đề tài Hàm zeta Igusa địa phương của kỳ dị đường cong phẳng nên bắt tay tìm hiểu, từ đó phát triển thêm nhiều ý tưởng nghiên cứu khác.
Mùa hè năm đó, Long tự mình thực hiện đề tài nghiên cứu thuần toán học thuật: The Igusa local zeta function of certain Thom-Sebastiani type functions (Hàm zeta Igusa địa phương của một lớp hàm kiểu Thom-Sebastiani), dưới sự hướng dẫn của thầy Thường. Với đề tài này, Long giành giải nhất tại Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2025 do khoa và trường tổ chức.
Nam sinh nhìn nhận những trải nghiệm nói trên đã giúp bản thân rèn luyện tư duy và phương pháp tiếp cận nghiên cứu. Đây cũng là bước đệm quan trọng để Long phát triển khóa luận tốt nghiệp, về hai bài toán liên quan đến hàm zeta Igusa địa phương.
Giai đoạn đầu, Long dồn nhiều thời gian viết và suy nghĩ để phát triển kết quả bài toán, nhiều lần "bí" ý tưởng nhưng dần dần khắc phục và vượt qua. Ở giai đoạn hoàn thiện, Long trình bày lại một cách chỉn chu những tính toán của mình từ tiếng Anh sang tiếng Việt và chỉnh sửa theo định dạng mà trường yêu cầu. Khóa luận của Long sau đó đạt điểm tuyệt đối.
Bên cạnh học tập và nghiên cứu, nam sinh chủ động kết nối cộng đồng sinh viên yêu Toán qua câu lạc bộ "Gì Cũng Được". Với vai trò chủ tịch câu lạc bộ, Long duy trì không khí học thuật mở, làm cầu nối để giảng viên và sinh viên các khóa thảo luận, trình bày những chủ đề Toán học yêu thích.
Hoàng Long nhận bằng tốt nghiệp từ GS.TS Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chiều 13/7. Ảnh: HUS
PGS.TS. Lê Quý Thường, giảng viên hướng dẫn Long, đánh giá học trò có tư duy nghiên cứu và lập luận nhanh, chính xác.
"Khi làm việc chung, Long thường xuyên có nhiều ý tưởng lạ, luôn đề xuất giải pháp bất ngờ cho những bài toán khó mà tôi chưa từng nghĩ đến", thầy nói. Thầy còn ấn tượng ở Long bởi sự chăm chỉ, đam mê mở rộng nguồn kiến thức và luôn sẵn sàng thảo luận, đặt câu hỏi ở bất cứ đâu về các chủ đề cả hai cùng quan tâm.
Xác định gắn bó nghiêm túc với Toán học, Hoàng Long dự định tiếp tục học lên thạc sĩ, chuyên ngành Đại số và Lý thuyết số tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
"Mình muốn theo đuổi Toán học như một sự nghiệp lâu dài", Long nói, cho biết ấp ủ tìm học bổng tiến sĩ tại Mỹ hoặc châu Âu sau này.
Huyền Trang - Hải Yến