
Ngành du lịch tỉnh
Gia Lai đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ thu hút hơn 11 triệu lượt khách tham quan.
Với tiềm năng và lợi thế về du lịch rừng - biển kết hợp, Gia Lai kỳ vọng trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam.
“Rừng vàng, biển bạc”, cú hích cho ngành du lịch
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng lượt khách du lịch đến Bình Định (cũ) đạt 6,5 triệu lượt, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu từ khách
du lịch đạt 16.850 tỉ đồng, tăng 14,5%.
Tại Gia Lai (cũ), cùng kỳ ghi nhận 890.000 lượt khách, tăng 16%, với doanh thu 493 tỉ đồng, tăng 11% so với năm trước. Sau khi hợp nhất, Gia Lai trở thành tỉnh lớn thứ hai cả nước, sở hữu lợi thế đặc biệt với cả rừng và biển. Khi Quy Nhơn bước vào mùa mưa, mùa thấp điểm thì vùng cao nguyên Gia Lai lại vào mùa khô, thời điểm cao điểm du lịch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho biết, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hai cụm du lịch chính: Cụm phía Đông gắn với du lịch sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng, liên kết vùng biển Quy Nhơn. Cụm phía Tây quy hoạch khu du lịch Biển Hồ - núi lửa Chư Đang Ya, kết nối sông Sê San, thủy điện Ialy, mở rộng liên kết với phía Tây Quảng Ngãi.
Xã Biển Hồ, xã Chư Păh là địa phương giàu tiềm năng tài nguyên, du lịch và thủy điện. Đặc biệt, núi lửa Chư Đang Ya được tạp chí Anh quốc bình chọn là một trong 10 miệng núi lửa đẹp nhất thế giới.
Gia Lai còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như núi Hàm Rồng, hồ T’Nưng, thác Phú Cường, cùng cánh đồng chè Biển Hồ xanh mướt. Đồng thời, tỉnh là nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số như Bahnar và Jrai, thể hiện qua nhà rông, nhà mồ, tượng nhà mồ và các lễ hội đặc sắc.
Khu vực Đông Gia Lai còn có hệ thống di tích văn hóa Sa Huỳnh, đền tháp Chăm, phong trào nông dân Tây Sơn… thu hút nhiều du khách. Bình Định (cũ) có bờ biển dài với nhiều vịnh đẹp như Quy Nhơn, Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Khô, Cù Lao Xanh, Ghềnh Ráng - Tiên Sa, bãi tắm Trung Lương... Các di sản văn hóa phi vật thể như võ cổ truyền, hát bội, bài chòi...
Quảng bá du lịch Gia Lai ra thế giới
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy
di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định” nhằm hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO.
Sở cũng đã báo cáo UBND tỉnh đề xuất lập hồ sơ khoa học Lễ hội Cầu ngư Vạn chài (Nhơn Hải) để ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời xin cấp phép khai quật khảo cổ di tích Trường Lũy Bình Định…
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai - cho biết, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh đặt mục tiêu đón 4,4 triệu lượt khách, đạt doanh thu 11.160 tỉ đồng, đồng thời phát triển thêm 12 sản phẩm du lịch mới. Ngành du lịch Gia Lai triển khai thông điệp “3K”: Không nâng giá, ép giá; không tranh giành khách; không ô nhiễm tiếng ồn, rác thải.
Cùng với đó là thông điệp “3A”: An toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn tính mạng, tài sản. Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch rừng, biển của tỉnh sau hợp nhất, Gia Lai sẽ đẩy mạnh quảng bá tại các sự kiện quốc tế như Hội chợ Kits (Hàn Quốc), WTM London, và Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.