Ba thói quen ăn uống tàn phá thận ở người trẻ
VnExpress July 15, 2025 09:11 AM

Ăn mặn, nhiều đạm động vật và tiêu thụ đường tinh luyện từ nước ngọt có nguy cơ gây tổn thương thận ở người trẻ.

TS.BS Ngô Thị Kim Oanh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3 chỉ ra 3 thói quen ăn uống âm thầm gây hại thận người trẻ, bao gồm:

Ăn mặn

Thói quen ăn mặn kéo dài là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu làm tổn thương cấu trúc cầu thận. Khi lượng natri đưa vào cơ thể vượt quá ngưỡng xử lý sinh lý, thận buộc phải tăng cường hoạt động để bài tiết lượng muối dư thừa. Quá trình này dẫn đến tăng áp lực lọc tại cầu thận, kích hoạt hệ renin - angiotensin - aldosterone, từ đó làm tăng huyết áp và thúc đẩy xơ hóa mô kẽ thận.

Người trẻ thường không nhận ra lượng natri "ẩn" trong chế độ ăn hàng ngày, đặc biệt là từ các loại thực phẩm công nghiệp như mì gói, nước chấm, đồ hộp, thức ăn nhanh và các món khô (khô gà, khô bò). Tình trạng tăng natri mạn tính này không chỉ gây tăng huyết áp mà còn làm tăng bài tiết protein niệu - một chỉ dấu sớm của tổn thương thận mạn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi người trưởng thành nên tiêu thụ ít hơn 5 g muối mỗi ngày, tương đương khoảng 2.000 mg natri. Tuy nhiên, khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy trung bình người Việt đang tiêu thụ gấp đôi ngưỡng khuyến cáo này.

Ăn nhiều đạm động vật và chế độ giàu protein

Protein là dưỡng chất thiết yếu nhưng nếu tiêu thụ vượt nhu cầu, đặc biệt từ nguồn đạm động vật, sẽ gây ra gánh nặng chuyển hóa cho thận. Trong chế độ ăn hiện đại, nhiều người trẻ lựa chọn lối sống "ăn nhiều thịt - ít tinh bột" với mục tiêu giảm cân, tăng cơ. Tuy nhiên, khi lượng protein vượt mức 1,6 g/kg thể trọng/ngày, thận phải tăng lọc để đào thải các sản phẩm chuyển hóa như ure, creatinin, và acid uric.

Tình trạng lọc quá mức kéo dài (hyperfiltration) gây tổn thương nội mô cầu thận, tăng sinh tế bào trung mô, dẫn đến xơ hóa mô kẽ - tiến trình nền tảng của suy thận mạn.

Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm bổ sung đạm như whey protein, bột casein hoặc thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc cũng là yếu tố đáng lo ngại, vì nhiều sản phẩm có chứa tạp chất hoặc chất kích thích có thể gây độc cho thận mà người dùng không hề hay biết.

Ở người khỏe mạnh, mức đạm khuyến nghị từ 0,8-1 g/kg/ngày là phù hợp. Riêng với người có yếu tố nguy cơ bệnh thận (tăng huyết áp, tiền đái tháo đường, béo phì, tiền sử gia đình có bệnh thận), nên tham khảo ý kiến chuyên gia để điều chỉnh lượng đạm phù hợp và ưu tiên đạm có giá trị sinh học cao như cá, trứng, sữa ít béo, đạm thực vật từ đậu nành, đậu hũ.

Tiêu thụ nhiều đường tinh luyện và nước ngọt

Một chế độ ăn giàu đường tinh luyện không chỉ ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose mà còn gây ra tổn thương cầu thận thông qua nhiều cơ chế. Việc thường xuyên sử dụng trà sữa, nước ngọt có gas, bánh ngọt, và các loại đồ uống năng lượng (energy drink) làm tăng nguy cơ đề kháng insulin và hội chứng chuyển hóa - những yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường type 2.

Khi glucose máu tăng cao mạn tính, cơ chế lọc tại cầu thận sẽ bị rối loạn, dẫn đến tăng áp lực nội cầu, dày màng đáy và hình thành viêm vi cầu thận tăng sinh. Biểu hiện lâm sàng có thể bắt đầu từ microalbumin niệu và tiến triển dần đến đạm niệu rõ, giảm mức lọc cầu thận (GFR), cuối cùng là suy thận giai đoạn cuối.

Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây còn chỉ ra rằng tiêu thụ fructose liều cao - một loại đường phổ biến trong nước ngọt công nghiệp - có liên quan đến tăng axit uric, tăng stress oxy hóa, kích hoạt phản ứng viêm ở ống lượn gần, từ đó thúc đẩy tiến triển tổn thương thận.

Vì vậy, người trẻ nên giảm tối đa tiêu thụ đường bổ sung, đặc biệt từ thức uống công nghiệp, đồng thời tăng cường thực phẩm tươi và nguyên bản, tránh thói quen dùng đường như một "phần thưởng" sau mỗi ngày làm việc.

Mỹ Ý

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.