Theo quy định mới, trưởng công an cấp xã có quyền phạt tiền đến 50% mức tối đa, tương đương quyền của giám đốc công an tỉnh (cũ).
Đây là nội dung mới được đề cập trong Nghị định 189/2025, quy định chi tiết về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của 14 nhóm cán bộ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Thẩm quyền này trước đây được quy định tại các điều từ 38-51 của Luật xử lý vi phạm hành chính cũ. Với việc Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung năm 2025 vừa có hiệu lực hôm 1/7, 14 điều này được bãi bỏ và được tách riêng thành Nghị định 189 này.
Thẩm quyền của công an nhân dân (CAND) được quy định tại điều 8 của Nghị định với cụ thể từng chức danh, từ chiến sĩ, đến trưởng công an xã, giám đốc công an cấp tỉnh và các cục trưởng... theo hướng tăng thẩm quyền so với quy định cũ.
Cụ thể, từ 1/7, chiến sĩ CAND đang thi hành công vụ có quyền: a) phạt cảnh cáo; b) phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng; c) tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt tại điểm b.
Trước đây, chiến sĩ CAND chỉ được phạt tiền đến 1% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 500.000 đồng; không có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Nghị định 189 cũng trao quyền cho thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động cấp đại đội được phạt đến 20% mức phạt tiền tối đa (mức cũ là 3%, không quá 1,5 triệu đồng); trưởng đồn công an, thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động cấp tiểu đoàn... được quyền phạt tiền đến 30% mức tối đa (mức cũ là 5%, không quá 2,5 triệu đồng).
Người giữ chức danh này còn có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn cá nhân, tổ chức vi phạm.
Cũng theo quy định mới, trưởng công an cấp xã ngoài các quyền phạt cảnh cáo, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc khắc phục hậu quả còn có quyền phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa.
Như vậy, thẩm quyền phạt tiền của trưởng công an cấp xã hiện tại ngang với giám đốc công an tỉnh theo quy định cũ.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của trưởng công an xã | Thẩm quyền xử phạt của Giám đốc công an tỉnh |
Khoản 4, Điều 8, Nghị định 189/2025 (hiệu lực từ 1/7/2025) | Khoản 5, Điều 39, Luật xử lý vi phạm hành chính (bãi bỏ từ 1/7/2025) |
Trưởng Công an cấp xã có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; |
Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 100.000.000 đồng; c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đ) Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; e) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này. |
Theo luật mới, giám đốc công an tỉnh có quyền phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng - mức trước đây chỉ các cục trưởng thuộc Bộ Công an mới có quyền quyết định.
Về quyết định xử phạt trục xuất, theo quy định cũ đây là thẩm quyền của giám đốc công an tỉnh và cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Từ ngày 1/7, quyền này được mở rộng cho cả Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh.
>>Xem chi tiết thẩm quyền xử phạt hành chính của công an mới nhất
Tương tự công an nhân dân, 13 nhóm cán bộ có thẩm quyền xử phạt hành chính còn lại cũng được tăng quyền xử phạt, theo quy định mới.
Theo đó, chủ tịch xã có quyền phạt tiền tới 50% mức tiền phạt tối đa với lĩnh vực tương ứng, tức cao gấp 5 lần quy định cũ (10%, không quá 5 triệu đồng). Người giữ chức này còn có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Đây là hai quyền mà trước đây chỉ được giao cho chủ tịch UBND cấp huyện.
Sự thay đổi này đến từ vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bỏ cấp huyện từ 1/7.
Cán bộ thi hành án dân sự TP Hải Phòng trong buổi cưỡng chế thi hành án dân sự tháng 7/2023. Ảnh: Công an Hải Phòng
Bên cạnh đó, Nghị định cũng thu hẹp đối tượng được xử phạt hành chính, ví dụ trong cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên đã không còn quyền xử phạt hành chính. Theo quy định cũ, chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng.
Hiện quyền này được phân cho hai cấp: thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, có quyền phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa (luật cũ quy định là 20 triệu đồng); và cục trưởng Quản lý thi hành án, được phạt tiền đến mức tối đa. >> Xem chi tiết
Theo Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, mức phạt tiền tối đa dành cho cá nhân là một tỷ đồng, và cho tổ chức là hai tỷ đồng.
>>Xem quy định mới nhất về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực
Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như với công dân khác. Nếu cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân có thẩm quyền xử lý.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra.
Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Các biện pháp xử lý hành chính (giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) không áp dụng đối với người nước ngoài.
Hải Thư