Choáng ngợp với bộ tranh động vật hoang dã, có loài đã tuyệt chủng, của họa sĩ Việt Nam
GH News July 15, 2025 01:33 PM
Câu chuyện về voọc, sao la, khỉ vòi, vượn cáo khổng lồ, gà lôi lam mào trắng, thỏ vằn Annam và rất nhiều động vật hoang dã quý hiếm, một số loài đã tuyệt chủng... đang được kể đầy sống động qua triển lãm tranh đặc biệt của họa sĩ Đào Văn Hoàng.
động vật hoang dã - Ảnh 1.

Bức "Phản chiếu" vẽ hai mẹ con Khỉ vòi (Nasalis larvatus) đang nhảy từ bờ sông này sang bờ bên kia từ tán cây cao. Tranh nằm trong loạt “Linh trưởng bay”, từng trưng bày tại hội nghị Three Monkeys. Họa sĩ cố ý bỏ bối cảnh cây cối, chỉ giữ lại hình ảnh linh trưởng lơ lửng giữa không trung, soi bóng xuống mặt nước.

Đến với Hội Mỹ thuật TP.HCM tuần này (từ nay đến 19-7), công chúng sẽ được thưởng thức hơn 160 bức tranh nghệ thuật hoang dã đầy cuốn hút của họa sĩ Đào Văn Hoàng qua triển lãm Nghệ thuật hoang dã - thiên nhiên qua mắt một họa sĩ.

Ngoài trưng bày tranh, sự kiện còn có các workshop về nghệ thuật và bảo tồn động vật, thu hút nhiều khán giả nhất là các bạn trẻ, các gia đình đưa con đến cùng tìm hiểu, khám phá.

Ngắm thế giới động vật hoang dã từ góc nhìn ngang tầm

Tranh của Đào Văn Hoàng thoạt nhìn là tả thực, nhưng lại không giống với minh họa khoa học. Anh đang kể lại câu chuyện sống động về thế giới hoang dã bằng tranh. Ở đó, cả những loài vật nhút nhát và hiếm gặp nhất như sao la cũng có thể xuất hiện ung dung, tự tại.

Bằng acrylic trên vải bố hoặc màu nước trên giấy, họa sĩ tái hiện thế giới động vật từ góc nhìn ngang tầm mắt, như thể từ một chú bướm đang bay hay từ loài vật nào đó đang song hành cùng chủ thể, không phải từ góc nhìn của con người.

động vật hoang dã - Ảnh 2.

Triển lãm lôi cuốn người xem bước vào thế giới tự nhiên, cảm nhận vẻ đẹp và những câu chuyện đầy cảm xúc về đời sống của các loài động vật hoang dã - Ảnh: H.VY

Đào Văn Hoàng thường thích "giấu" loài vật vào độ sâu của bối cảnh nền, để người xem phải chú ý tìm kiếm như thể đang đi khám phá trong rừng.

Lần theo từng đường nét, người xem sẽ càng thú vị hơn khi phát hiện thêm nhiều chi tiết tỉ mỉ: độ ẩn hiện của chủ thể, tính nhịp điệu trong tranh, cách xử lý nguồn sáng chuyển tiếp tinh tế trong môi trường tự nhiên... Với anh, đó là một cách kể chuyện qua từng lớp màu.

Nhưng điều làm nên sức hấp dẫn đặc biệt nhất cho tranh của Đào Văn Hoàng chính là sự kết hợp hài hòa giữa tính chính xác của khoa học và giàu cảm xúc của nghệ thuật.

động vật hoang dã - Ảnh 3.

Bức "Chờ đêm xuống" vẽ loài Thỏ vằn (Nesolagus timminsi), được đặt theo tên nhà khoa học Rob Timmins. Vẽ loài thỏ này là cả thử thách vì chúng sống như cái bóng trong rừng sâu tối. Họa sĩ đã mường tượng con thỏ đang chờ đợi, bất động và vô hình trong ánh sáng cuối cùng trước khi đêm buông xuống.

Là một nghệ sĩ tự học, anh đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu qua sách vở về giải phẫu, phối cảnh và minh họa khoa học.

Song song đó, anh thường xuyên lặn lội vào rừng sâu, cộng tác cùng các khu bảo tồn, đồng hành cùng các nhà khoa học... để trực tiếp cảm nhận, nghiên cứu hành vi, tập tính và sinh cảnh đặc thù của từng loài.

Những kiến thức tự học và sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên gia là nền tảng để Đào Văn Hoàng tạo nên những bức tranh động vật hoang dã vừa có hồn, vừa chính xác.

Khi vẽ, Đào Văn Hoàng luôn bị cuốn bút bởi lớp da bên ngoài của các loài: lông, vảy, lông vũ, kế đến là các lớp cơ bắp chuyển động dưới lớp lông, những kết cấu sống động biến đổi qua hàng triệu năm tiến hóa. Đó cũng là những chi tiết khiến anh "sướng tay" nhất.

động vật hoang dã - Ảnh 4.

Bức "Bóng ma" vẽ hai mẹ con Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) trên thác nước. Anh đặc biệt thích dáng vẻ lóng ngóng của con non khi tái hiện loài vật huyền thoại này nơi hoang sơ.

Choáng ngợp với bộ tranh động vật hoang dã, có loài đã tuyệt chủng, của họa sĩ Việt Nam - Ảnh 5.

Bức "Tụ tập" vẽ ba loài kền kền khác nhau tại khu bảo tồn thiên nhiên Siem Pang ở Campuchia. Họa sĩ đã quan sát chúng nhiều giờ từ chòi quan sát, chúng bay vòng vòng, hạ cánh, bước đi kiểu cách nhưng không con nào đụng đến xác trâu bên dưới. Theo anh Jonathan Eames, chúng còn trẻ và có lẽ chỉ tụ tập để khoe dáng. Họa sĩ đã vẽ lại khung cảnh này với kền kền, sáo, cu nhỏ như những khách mời trong một buổi tiệc.

động vật hoang dã - Ảnh 6.

Bức "Chiều" vẽ loài Chuột núi Lào (Laonastes aenigmamus). Họa sĩ đã nghiên cứu kỹ về sinh cảnh của loài chuột này qua anh Rob Timmins. Khi muốn nhấn tiền cảnh, anh kết nối với một chuyên gia thực vật để tìm ra loài Thu hải đường phù hợp. Cuối cùng là nghiên cứu tỉ lệ chính xác giữa chúng khi phối cảnh.

động vật hoang dã - Ảnh 7.

Bức "Cổ đại" vẽ loài Vượn cáo khổng lồ (Archaeoindris) đã tuyệt chủng. Các nhà khoa học chỉ tìm thấy một hộp sọ và vài mảnh xương. Họa sĩ đã tưởng tượng vẻ ngoài của loài vật này, màu lông hòa với môi trường, cách chúng di chuyển với kích thước cỡ khỉ đột, và con non bám chặt vào lưng mẹ.

Khi ta yêu điều gì đó, ta sẽ muốn giữ gìn

Gần 30 năm gắn bó với lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã, nhưng Nghệ thuật hoang dã - thiên nhiên qua mắt một họa sĩ là triển lãm cá nhân đầu tiên của Đào Văn Hoàng.

Trước đây, tranh của anh thường chỉ xuất hiện trong các hội nghị khoa học và bảo tồn quốc tế.

Bức "Trốc gốc" cũng là một trong vài tranh hiếm hoi Đào Văn Hoàng còn lồng ghép thông điệp khi vẽ: "Cuộc sống sẽ trơ trụi đến thế nào nếu không còn rừng?".

Sau loạt tranh này, anh chọn vẽ những gì mình muốn, và kể chuyện đời sống hoang dã một cách thuần túy, chân thực, tự nhiên nhất. Những ai quan tâm sẽ tự cảm nhận được.

Choáng ngợp với bộ tranh động vật hoang dã, có loài đã tuyệt chủng, của họa sĩ Việt Nam - Ảnh 8.

Bức "Trốc gốc" vẽ một con voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) cô độc trên bán đảo Sơn Trà - là tác phẩm đầu tiên đánh dấu hành trình trở thành họa sĩ vẽ động vật hoang dã của Đào Văn Hoàng. Tranh trưng bày trong triển lãm "Các loài linh trưởng Việt Nam" tại hội nghị IPS, Hà Nội 2014.

Choáng ngợp với bộ tranh động vật hoang dã, có loài đã tuyệt chủng, của họa sĩ Việt Nam - Ảnh 9.

Bức "Nguồn cội" vẽ loài Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), loài vật đã biến mất khỏi các cánh rừng Việt Nam gần 30 năm và nay đang được một dự án bảo tồn giúp đưa về lại quê hương. Trong tranh, họa sĩ đặt con trống đứng thẳng nổi bật, tương phản với đường ngang của những rễ cây tượng trưng nguồn cội.

Lần đầu ra mắt rộng rãi công chúng trong một triển lãm cá nhân, họa sĩ Pháp gốc Việt bày tỏ khá hồi hộp, và rồi "thở phào nhẹ nhõm" khi nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Anh hy vọng qua triển lãm, mọi người sẽ thấy bảo tồn động vật hoang dã không phải là việc gì xa xôi hay quá khó khăn. Ai cũng có thể góp sức và bằng nhiều cách, như anh là... vẽ tranh!

động vật hoang dã - Ảnh 10.

Hai bạn trẻ xem tranh rất lâu và chờ đợi để được xin chữ ký, chụp ảnh cùng họa sĩ - Ảnh: H.VY

Choáng ngợp với bộ tranh động vật hoang dã, có loài đã tuyệt chủng, của họa sĩ Việt Nam - Ảnh 11.

"Về thông điệp, tôi chỉ đơn giản chia sẻ những hình ảnh. Nhưng nếu ai đó nhìn, rồi cảm, rồi yêu thì biết đâu họ sẽ yêu luôn cả sinh vật được khắc họa trong tranh. Và khi ta yêu một điều gì, ta sẽ muốn giữ gìn nó" - họa sĩ Đào Văn Hoàng chia sẻ.

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.