Dịch tả lợn châu Phi có gây bệnh cho người?
GH News July 15, 2025 04:32 PM
Những ngày qua, tại các tỉnh thành, lực lượng chức năng phát hiện và tiêu hủy hàng trăm con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi đang trên đường vận chuyển để tiêu thụ. Liệu số lợn này nếu ra thị trường sẽ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng thế nào?
dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1.

Lợn bị dịch tả châu Phi được mang đi tiêu hủy - Ảnh: TRẦN MAI

Bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây cho người

Theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cách đây hơn một tháng (ngày 4-6), khi bệnh dịch tả lợn châu Phi có xu hướng gia tăng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là một số tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Bắc xảy ra 386 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 15 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập). Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 22.026 con (so với cùng kỳ năm trước số ổ dịch giảm 44%, số lợn chết và tiêu hủy giảm 60%).

Đáng nói, thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 2 vụ chở lợn nhiễm dịch tả châu Phi đang trên đường vận chuyển để tiêu thụ. Việc mang lợn nhiễm dịch tả châu Phi ra thị trường tiêu thụ khiến người tiêu dùng lo lắng, nếu sử dụng có bị nhiễm bệnh?

Theo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%.

Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Thời gian qua nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.

Về nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây bệnh sang người, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho hay dịch tả lợn châu Phi do vi rút gây ra, chỉ lây lan trên các loài lợn, không có khả năng gây bệnh cho người.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, mặc dù dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây nhiễm sang người, tuy nhiên vi rút này có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và lây lan giữa các con lợn qua các con đường như hô hấp và tiêu hóa.

Con người có thể trở thành tác nhân phát tán vi rút gây dịch tả lợn châu Phi nếu tiếp xúc với các nguồn nhiễm bệnh như chuồng trại, phương tiện vận chuyển hay thực phẩm chế biến từ lợn nhiễm bệnh.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ

Dù lợn bị nhiễm bệnh tả châu Phi không có khả năng lây sang người, song các chuyên gia cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng...

Đặc biệt với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh.

Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hóa, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng... Bệnh nhân sẽ phải lọc máu, thở máy, hồi sức liên tục... với chi phí điều trị cao và nguy cơ để lại di chứng rất lớn.

Do đó người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh... Bên cạnh đó, ngoài dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ gián tiếp.

Bởi vậy, Cục Phòng bệnh khuyến cáo người dân cần sử dụng nguồn thịt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn. Trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh, giữ vệ sinh chuồng trại, kiểm soát vận chuyển; tuyệt đối không tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh để tránh dịch lây lan.

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.