Thành ủy Hà Nội vừa công bố toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ TP.Hà Nội, nhiệm kỳ 2025 - 2030, để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân.
Dự thảo tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và thành tựu của thủ đô sau 40 năm đổi mới; mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2025 - 2030.
Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của thủ đô Hà Nội gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất, đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hà Nội sẽ phát triển dựa trên 5 trụ cột, gồm: văn hóa và con người; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Đến năm 2045, Hà Nội là thành phố phát triển, là thủ đô bản sắc, hiện đại và hội nhập, có nền công nghiệp hiện đại, làm chủ một số công nghệ nền, công nghệ nguồn; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, khá giả, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; chỉ số đổi mới sáng tạo nằm trong top 100 thành phố hàng đầu thế giới.
Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, Hà Nội xác định 5 lĩnh vực ưu tiên trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, trong đó có giao thông, hướng tới tăng cường kết nối vùng, tạo mạng lưới phát triển kinh tế, lan tỏa từ trung tâm ra ngoại vi, góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Mở rộng nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài, đưa các sân bay Gia Lâm, Hòa Lạc vào khai thác lưỡng dụng. Đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai, hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và khởi công đường Vành đai 5 vào quý 4/2027; hoàn thành đường Vành đai 3 phía bắc, đường nối với sân bay Gia Bình.
Hà Nội xác định trục sông Hồng là biểu tượng phát triển mới; xây dựng 7 cầu qua sông Hồng, gồm: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Thượng Cát, Hồng Hà, Mễ Sở, Ngọc Hồi, Vân Phúc...
Ưu tiên tiếp theo là văn hóa, y tế, giáo dục; hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ sinh học, thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao; đưa các dự án chậm triển khai đi vào hoạt động.
Hà Nội đặt mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm không khí ở nội đô
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Hà Nội cũng ưu tiên cho bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu. Cải thiện chất lượng không khí, thoát nước, chống úng ngập, xử lý chất thải.
Xử lý môi trường các con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải; xử lý rác thải, nước thải (xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, Sơn Tây, Yên Sở...) nhằm cải thiện môi trường sinh thái và vệ sinh trên địa bàn.
Ưu tiên đầu tư xử lý nước thải, rác thải, xây dựng thủ đô xanh, sạch, văn minh, hiện đại. Xây dựng các công viên mới với tỷ lệ bê tông hóa ít nhất, phát triển các mô hình xanh, "rừng trong phố". Ưu tiên xây dựng cơ chế, tạo nguồn lực để di dời các công trình ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô theo quy hoạch...
"Xử lý triệt để ô nhiễm không khí nội đô trước năm 2035, thực hiện vùng phát thải thấp. Hồi sinh các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... Xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy, Cầu Bây - Bắc Hưng Hải. Nghiên cứu, xây dựng chương trình (hoặc đề án) chiến lược tổng thể bảo vệ môi trường và phát triển xanh thủ đô, tầm nhìn ít nhất 15 - 20 năm", dự thảo báo cáo nêu rõ.