Người chăn nuôi cần làm gì để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi?
GH News July 15, 2025 05:32 PM
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi tại nhiều tỉnh phía Bắc, cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần cảnh giác và áp dụng các biện pháp phòng, chống để tránh lây lan rộng.
dịch tả heo - Ảnh 1.

Người dân không vứt heo mắc bệnh, heo chết ra ngoài môi trường - Ảnh: Công an xã Thượng Cốc

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện 11 tỉnh, thành ở khu vực phía Bắc đang có 212 ổ dịch tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày với số heo tiêu hủy gần 18.000 con.

Tại Lạng Sơn có 118 ổ dịch xảy ra tại 1.867 hộ dân với tổng số heo tiêu hủy 5.629 con. Tiếp đến là Cao Bằng có 43 ổ dịch xảy ra tại 1.474 hộ với tổng số heo tiêu hủy 7.720 con. 

Tỉnh Điện Biên có 17 ổ dịch tại 272 hộ với tổng số heo tiêu hủy 1.118 con. Tại Phú ThọSơn La cùng có 8 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Đáng chú ý các ổ dịch mới này chiếm khoảng 55% tổng số ổ dịch và 80% tổng số heo tiêu hủy từ đầu năm đến nay. 

Điều này cho thấy dịch tả heo châu Phi đang có diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan rộng hơn nếu không có các biện pháp phòng, chống phù hợp.

Theo cơ quan thú y, hiện nay trên thế giới chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh dịch tả heo châu Phi nên khi heo mắc bệnh tỉ lệ chết có thể lên đến 100%.

Do đó người chăn nuôi phải tích cực tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi theo hướng dẫn của cơ quan thú y và tiêm phòng các loại vắc xin khác cho heo. Đồng thời phải áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Khi phát hiện heo có dấu hiệu mắc bệnh dịch tả châu Phi như "bỏ ăn, ủ rũ, sốt cao đột ngột, xuất hiện tình trạng xuất huyết thâm tím ở tai, bẹn, bụng và mặt đùi sau, chân..." thì người dân phải báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý và ngừng xuất heo giống, heo thịt, vật tư trang thiết bị trong khu chăn nuôi ra bên ngoài.

Đồng thời, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm nguyên tắc chung "5 KHÔNG" là không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; 

Không giết mổ tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa cho heo ăn mà chưa qua xử lý nhiệt.

Người chăn nuôi cần làm gì để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi? - Ảnh 3.

Heo chết do mắc bệnh dịch tả heo châu Phi - Ảnh: H.BÌNH

Khi xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi, người chăn nuôi cần che bạt phủ kín ô chuồng hoặc cả dãy chuồng. 

Đồng thời tiêu hủy ngay toàn bộ đàn heo tại ô chuồng hoặc cả dãy chuồng khi dịch xảy ra theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Lập hồ sơ tiêu hủy theo quy định để được Nhà nước hỗ trợ khi có chính sách.

Vệ sinh, thu gom phân rác, chất độn chuồng, bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn heo bị dịch bệnh để xử lý bằng nhiệt hoặc hóa chất thật kỹ.

Tiến hành phun thuốc sát trùng với nồng độ gấp 2-3 lần bình thường liên tục trong 3-4 ngày, sau đó mới rửa lại bằng nước sạch, tránh làm bắn nước sang ô chuồng hoặc dãy chuồng kế bên, tiếp tục phun thuốc sát trùng thêm 2-3 ngày tiếp theo.

Khi tái đàn heo sau khi dịch bệnh được kiểm soát được thực hiện theo trình tự các bước hướng dẫn của cơ quan thú y, không nên nuôi công suất quá nhiều để tránh dịch bệnh tái phát.

Sau khi nuôi chỉ báo ít nhất 21 ngày, nếu heo khỏe mạnh, không có biểu hiện dịch bệnh hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi, có thể nuôi đạt 100% công suất chăn nuôi của cơ sở, tuy nhiên việc tăng đàn cũng phải thực hiện thận trọng, tránh thiệt hại khi dịch bệnh tái phát.

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.