Hơn 500 điểm 10 môn Toán - 'đề khó không hạ được học sinh giỏi'
VnExpress July 15, 2025 08:49 PM

Hơn 500 điểm 10 Toán là tín hiệu rõ ràng rằng đề khó không hạ được học sinh giỏi thật, đề lạ không làm khó được tư duy độc lập.

Ngay sau buổi thi môn Toán tốt nghiệp THPT 2025, một số diễn đàn học sinh, phụ huynh và cả thầy cô dạy thêm đã râm ran nhận định: đề năm nay "khó quá", "dài dòng", "đánh đố", "không có cửa cho học sinh trung bình khá"...

Thậm chí, chiều theo cảm xúc nhiều người còn bảo rằng với đề này thì năm nay chắc lại không có điểm 10.

Thế nhưng, chiều nay 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thống kê: 513 thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Những cái tên đứng đầu về số lượng điểm 10 là Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM.

Nếu có điều gì đáng bàn từ con số hơn 500 điểm 10 này, thì đó chính là lời đáp trả mạnh mẽ cho hàng loạt ngờ vực, thậm chí nghi ngờ sai hướng, mỗi mùa thi lại lặp lại.

Ở góc độ nào đó, đề Toán năm nay là một sự chuyển mình. Đúng là dài hơn, yêu cầu vận dụng nhiều hơn, và đúng như nhận định của tôi và một số bạn khác trên diễn đàn, đó là không còn chừa chỗ cho kiểu học vẹt, học tủ. Và điều đó đáng mừng chứ không phải phàn nàn. Vì trong số hàng trăm ngàn học sinh đi thi, có hàng ngàn bạn không học thêm một buổi nào, vẫn làm tốt vì học hiểu bản chất, không lệ thuộc vào luyện đề.

Nếu như trước đây, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi tiền triệu mỗi tháng để luyện đề cấp tốc, thì với đề năm nay, cách học đó đã bị vô hiệu hóa.

Chúng ta thường hay nghi ngờ học sinh ngày nay lười học, lệ thuộc công nghệ, học đối phó. Nhưng rồi mỗi mùa thi lại xuất hiện những bạn trẻ đầy bản lĩnh, giỏi giang, làm bài chỉnh chu từ đầu đến cuối, đàng hoàng đạt điểm 10. Đừng vội quy kết thế hệ mới kém cỏi, nếu chúng ta chưa nhìn thấy những bạn học sinh đang nỗ lực trong âm thầm.

Hơn 500 điểm 10 Toán là tín hiệu rõ ràng rằng đề khó không hạ được học sinh giỏi thật, đề lạ không làm khó được tư duy độc lập. Và xã hội cũng nên bắt đầu học lại một điều đơn giản mà quan trọng: Đừng vội đánh giá cả một thế hệ chỉ bằng cảm tính của mình.

Đây cũng là một gợi ý cho các nhà giáo, nhà trường: Khi học sinh được khơi gợi tư duy, được học đúng hướng, đề khó cũng là cơ hội để các em tỏa sáng. Rõ hơn, giáo dục chỉ thực sự tiến bộ khi học sinh được học cách tự mình vượt qua thách thức (đề thi) chứ không phải được hướng dẫn né tránh nó (học vẹt, học tủ, luyện đề...).

Thanh

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.