
Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp - Ảnh: LÊ TRUNG
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp khẩn trương phối hợp cử cán bộ xuống cơ sở nắm tình hình, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề phát sinh. Đặc biệt là thủ tục hành chính liên quan đến địa chính, giải phóng mặt bằng, xác định chủ quyền đất đai và cấp sổ đỏ…
Rà soát vướng mắc thủ tục, đảm bảo nhân lực
Chuẩn hóa lại các thủ tục hành chính về đất đai đã công bố, bảo đảm việc thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh tại các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã, hoàn thành trước 20-7.
Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, kết nối, liên thông thông suốt với hệ thống thuế, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
UBND cấp tỉnh thành bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã, nhất là các lĩnh vực phát sinh hồ sơ lớn ở cấp xã như: hộ tịch, đất đai, đăng ký hộ kinh doanh, xây dựng,... theo phân cấp, phân quyền, không phụ thuộc địa giới hành chính.
Các bộ ngành thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, gồm có các nhiệm vụ đã phân cấp cho địa phương, báo cáo Thủ tướng vào thứ năm hằng tuần.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và các bên liên quan rà soát, khẩn trương cung cấp điện để xóa các điểm thiếu điện ở các thôn, bản trên cả nước, đảm bảo phủ sóng công nghệ số.
Bộ Khoa học và Công nghệ theo dõi, đôn đốc tiến độ, bảo đảm hoàn thành việc "xóa các điểm lõm sóng" để các thôn, bản có điều kiện tiếp cận chuyển đổi số. Các việc này phải hoàn thành trước 1-10.
Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, thông tin thường xuyên, liên tục, ưu tiên thực hiện kịp thời trong giai đoạn vận hành bộ máy mới theo thứ tự quan trọng, cần thiết, như là thuế, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, tư pháp, y tế, giáo dục...
Xây dựng chương trình và chỉ đạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công nghệ, quản lý hành chính hiện đại và kỹ năng giao tiếp hành chính để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cả về chuyên môn và kỹ năng số, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, xã đảo.
Thiết lập cơ chế điều phối, giám sát có sự tham gia của người dân
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành địa phương thiết lập cơ chế điều phối, giám sát và phản hồi thông tin 2 chiều giữa Trung ương và địa phương, đồng thời bảo đảm cơ chế giám sát chặt chẽ từ cấp trên và sự tham gia của người dân.
Tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật để vận hành đồng bộ, hiệu quả mô hình mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải cách tài chính công và đổi mới phương thức quản trị địa phương; tăng cường phân cấp cho địa phương để chủ động giải quyết các thủ tục hành chính, điều hành ngân sách, tổ chức bộ máy và quản lý nhân lực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao hoàn thành dự án đầu tư trường bán trú các xã, phường, đặc khu biên giới trong tháng 7-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2026-2030.
Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho đề án "Xây dựng các trường nội trú, bán trú cho học sinh phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2026-2030". Địa phương ưu tiên nguồn ngân sách, đất đai, cơ sở vật chất sau sắp xếp để tăng cường cho giáo dục, y tế, có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.