Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý khi tháo gỡ vướng mắc 2.981 dự án tồn đọng trên toàn quốc không để sai chồng sai, được việc này mất việc kia.
Chiều 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đất đai trên toàn quốc.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý phương pháp xử lý các dự án, đất đai tồn đọng phải phù hợp với tình hình, đảm bảo hiệu quả, nhân văn, thúc đẩy sự phát triển, "không để sai chồng sai, được việc này mất việc kia". Đây là việc khó, nhạy cảm, chưa có tiền lệ nhưng phải quyết tâm thực hiện.
Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có các kết luận, nghị quyết, nghị định về cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm tháo gỡ khó khăn với các dự án, đất đai tại 5 địa phương. Nhiều dự án đã được gỡ vướng, đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh cần dám nghĩ, dám làm "với tinh thần trong sáng". Trong quá trình làm, ông lưu ý số hóa cơ sở dữ liệu; không đùn đẩy việc; xử lý việc theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên.
Trong số dự án tồn đọng, Thủ tướng chia làm ba nhóm: dự án rõ sai phạm; dự án vướng mắc thủ tục; dự án có dấu hiệu vi phạm. Ông yêu cầu bộ ngành, địa phương tiếp tục cập nhật số liệu trên Cổng thông tin của Ban Chỉ đạo về giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng (Ban Chỉ đạo 751). Từ số liệu này, các cơ quan và địa phương phân tích, đánh giá, đề ra hướng xử lý "công minh, ngay thẳng, đúng bản chất vấn đề, tính thực tiễn sâu sát, tính khả thi rõ ràng, tính hiệu quả cụ thể, rõ nét, tính nhân văn thực sự, rõ đến đâu, làm đến đó".
Việc gỡ vướng các dự án, đất đai tồn đọng không chỉ góp phần chống lãng phí mà còn huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8,3-8,5%, hướng tới tăng trưởng hai con số từ năm sau.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 751, Đảng ủy Chính phủ để hoàn thành báo cáo trình Bộ Chính trị trong tháng 8/2025 "với chất lượng tốt nhất có thể". Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ và địa phương sẽ tiến hành các bước tiếp theo để tiếp tục tháo gỡ cho những dự án còn lại.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trước đây do nhiều lý do khách quan và chủ quan, cả nước có nhiều dự án bị đình trệ, vướng mắc. Thời gian qua, dù các cơ quan đã tích cực vào cuộc xử lý, nhưng cả nước còn 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm với giá trị, nguồn lực rất lớn đang bị lãng phí.
Các dự án tồn đọng chủ yếu do vướng mắc về pháp lý liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch. Các dự án tồn đọng thuộc thẩm quyền giải quyết của cả Trung ương, nhưng chủ yếu thuộc thẩm quyền địa phương.
Vũ Tuân