
Đồ họa ba tuyến đường kết nối sân bay Long Thành - Đồ họa: P.X.MAI
Sân bay Long Thành (Đồng Nai) dự kiến đưa vào khai thác tháng 12-2026. Thời gian còn lại không còn quá dài để chuẩn bị cho việc tính toán phương tiện đưa đón khách đến sân bay này.
Lượng khách phụ thuộc vào đường đến sân bay
Với công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm, giai đoạn 1 (2026 - 2030) phục vụ 25 triệu hành khách/năm. Mục tiêu của sân bay Long Thành là giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), trở thành trung tâm trung chuyển hàng không lớn nhất ASEAN, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và logistics khu vực phía Nam, thu hút hành khách trong nước, quốc tế quá cảnh và trung chuyển.
Ngoài ra, sân bay Long Thành còn là khu trung tâm dịch vụ hàng không cho nhu cầu trong nước và quốc tế.
Các tính toán của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa (BKTECHS- ĐHQG TP.HCM) trong khuôn khổ đề án "Nghiên cứu hệ thống xe buýt kết nối đáp ứng nhu cầu của hành khách đến và đi qua sân bay Tân Sơn Nhất" cho thấy hành khách quốc tế tại TP.HCM có tỉ lệ lựa chọn đi quốc tế tại sân bay Long Thành cao nhất 74,8% so với các vùng miền khác trong cả nước 42,7 - 60,4%. Tỉ lệ hành khách nội địa chọn sân bay Long Thành đạt 14,9 - 35,3%.
Tỉ lệ của khách quốc tế ở các châu lục khác trên thế giới chọn sân bay Long Thành hay Tân Sơn Nhất cũng có thay đổi tương tự. Xu hướng và các tỉ lệ nói trên sẽ chuyển biến tùy theo sự phát triển của đất nước và khu vực, trong bối cảnh cạnh tranh với hai sân bay quốc tế lớn của thế giới là Changi (Singapore, tương lai 132 triệu hành khách) và Suvarnabhumi (Bangkok, tương lai 150 triệu hành khách).
Theo quy hoạch, sân bay Long Thành sẽ đảm nhận 80% hành khách quốc tế và 20% khách quốc nội, ngược lại khách quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất là 20% và khách quốc nội là 80%. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiếp cận, xu hướng đi lại và lựa chọn của hành khách.

Xe buýt tốc hành sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) - Ảnh: P.X.MAI
Hạ tầng kết nối sân bay Long Thành phải ra sao?
Để sân bay Long Thành đạt những kỳ vọng và mục tiêu trên, logistics và hạ tầng kết nối là cực kỳ quan trọng.
Hiện nay, các dự án tàu điện (metro) và đường sắt kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành có hai hướng tuyến metro M4, M6, M2 đến Thủ Thiêm, từ đó theo tuyến đường sắt nhẹ LRT hoặc theo đường sắt cao tốc Bắc - Nam rẽ vào sân bay Long Thành (quy hoạch TP.HCM 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Hiện nay cả hai tuyến này đều chưa có bản thiết kế hoàn chỉnh và thẩm định.
Về đường bộ, các dự án cao tốc kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (55km) hiện có 4 làn xe. Hiện đoạn TP.HCM - Long Thành đang quá tải trầm trọng.
Quy hoạch có 5 tuyến đường bộ cao tốc đến sân bay Long Thành gồm: dự án mở rộng cao tốc TP.HCM đến sân bay Long Thành (24km) từ 4 làn lên 8 làn xe, dự kiến triển khai từ tháng 9-2025 đến tháng 12-2026; cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 47km, 4 làn xe đã gần như hoàn thành; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, kết nối sân bay Long Thành từ hướng bắc; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 77,8km hoàn thành năm 2025.
Song song các tuyến cao tốc, 3 tuyến đường bộ đấu nối trực tiếp vào sân bay Long Thành được thực hiện gồm: tuyến 1 từ cổng tây sân bay kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và khớp nối tỉnh lộ 25C với 8 làn xe. Tuyến 2 với 4 làn xe, song hành cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối tuyến 1 với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến 3 với 8 làn xe kết nối cổng đông sân bay Long Thành.
Khi nhà ga T1 của sân bay Long Thành khánh thành (dự kiến vào tháng 12-2026), chúng ta bắt buộc phải mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM đến sân bay Long Thành lên 8 làn xe cho hành khách từ TP.HCM đến và đi sân bay Long Thành. Kèm theo đó, cần có hệ thống xe buýt tốc hành dành riêng cho sân bay Long Thành để đảm bảo đúng thời gian cho hành khách sân bay.
Nếu không, theo đánh giá của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, di chuyển từ TP.HCM đến sân bay Long Thành mất ít nhất 2 tiếng, nếu kẹt xe có thể lên tới 5 tiếng. Đi lại mất nhiều thời gian có thể khiến hành khách không lựa chọn sân bay này, từ đó giảm lượng hành khách và các hãng bay sẽ không mặn mà mở đường bay.

PGS.TS Phạm Xuân Mai - Ảnh: NVCC
Xe buýt dành riêng cho hành khách đến sân bay Long Thành
Tôi đề xuất cần hệ thống xe buýt tốc hành cho sân bay Long Thành. Đây là loại "con thoi", chạy trên làn dành riêng, sát làn dừng khẩn cấp của tuyến cao tốc. Xe cỡ lớn 45 - 50 chỗ ngồi, tiện nghi, hệ thống thông tin hành khách trực tuyến, khoang hành lý rộng rãi, chạy đúng tần suất, lịch trình tối ưu hóa, trong xe có màn hình thông tin thủ tục check-in, các chuyến bay...
Để tránh cho hành khách bị kẹt xe trong nội thành, cần một hệ thống thu gom khách bằng xe buýt nhỏ về trạm đầu mối tại nút giao An Phú (sau này có thể thêm 2 nút giao phía Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ). Từ trạm đầu mối, hành khách sẽ được trung chuyển qua các chuyến xe buýt tốc hành đi sân bay Long Thành (và ngược lại).
Hệ thống trung chuyển này dùng dịch vụ vé liên thông, đảm bảo đúng giờ, tiện nghi, thoải mái và thân thiện với môi trường cho hành khách sân bay Long Thành.