Cần Thơ - Làng nghề cốm dẹp và đan đát đang hồi sinh nhờ gắn với du lịch, giúp người dân tăng thu nhập, giữ gìn nét văn hóa truyền thống.
Từ lâu, nghề làm
cốm dẹp đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer ở xã Phú Tân (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cũ) nay là xã Thuận Hòa, TP Cần Thơ. Đây là món ăn truyền thống gắn liền với Lễ hội Óc Om Bóc và nhiều dịp lễ Tết quan trọng trong năm.
Tuy nhiên, trước sự thay đổi của đời sống hiện đại, nghề làm cốm dẹp từng đối mặt nguy cơ mai một khi lớp trẻ rời làng, còn người già không đủ điều kiện tiêu thụ sản phẩm.
Sự chuyển mình chỉ thực sự bắt đầu khi Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" được triển khai. Trong đó, việc thành lập Câu lạc bộ giới thiệu nghề truyền thống quết cốm dẹp là một điểm nhấn.
Câu lạc bộ không chỉ kết nối những người giữ nghề mà còn mở ra không gian trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước.
Tại đây, du khách được trực tiếp chứng kiến quy trình làm cốm dẹp truyền thống từ chọn nếp, rang, giã đến quết cốm bằng chày tay. Họ còn có thể tự tay tham gia từng công đoạn để hiểu hơn sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm nghề.
Ông Huỳnh Văn Chiến, du khách đến từ TP Cần Thơ, chia sẻ: "Cốm dẹp là món ăn tôi biết từ lâu, nhưng đây là lần đầu tôi thấy tận mắt quy trình làm ra nó. Trải nghiệm này giúp tôi càng trân trọng sự vất vả của những người giữ nghề".
Bà Susan Way, du khách đến từ Vương quốc Anh, cũng bày tỏ sự thích thú: "Tôi chưa từng tham gia hoạt động nào chân thực như thế này. Cốm do chính tay mình làm lại càng thơm ngon hơn. Tôi rất ấn tượng với văn hóa của người
Khmer".
Bà Thạch Thị Hường, thành viên Câu lạc bộ cho biết việc gắn nghề truyền thống với hoạt động du lịch đã giúp người dân có thêm thu nhập từ bán sản phẩm, hướng dẫn trải nghiệm và biểu diễn văn hóa. Quan trọng hơn, đây là cách bảo tồn nghề bền vững.
Cũng tại xã Thuận Hòa, nghề đan đát truyền thống của người Khmer đang "đổi đời" nhờ sự năng động của chị Trương Thị Bạch Thủy người sáng lập Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Thủy Tuyết.
Chị Thủy còn chủ động kết nối mô hình du lịch cộng đồng, đưa du khách đến trải nghiệm không gian văn hóa đậm chất Khmer. Những sản phẩm từ tre trúc được sử dụng để thiết kế khu nghỉ dưỡng, phòng trưng bày và không gian làm nghề.
Du khách đến đây không chỉ tham quan
làng nghề mà còn được thưởng thức múa Rom Vong, ẩm thực Khmer và cùng trải nghiệm làm cốm dẹp một sự giao thoa sinh động giữa hai làng nghề đặc trưng.
Chị Thủy chia sẻ: "Tôi muốn khách đến đây là để ủng hộ bà con làng nghề, chứ không phải cá nhân tôi. Mỗi người đến trải nghiệm sẽ là một người quảng bá tự nhiên và hiệu quả nhất cho văn hóa Khmer".