
Sân vận động quốc gia Rajamangala của Thái Lan ở chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 - Ảnh: M.K
Trong nỗ lực đưa World Cup trở lại châu Á sau hai thập kỷ, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) đã đề xuất kế hoạch liên kết với các quốc gia thuộc hai khu vực Đông Á (EAFF) và Đông Nam Á (AFF) để cùng trình hồ sơ xin đăng cai World Cup 2046.
Theo đó, 3 đại diện Đông Á đứng ra đăng cai là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong khi đó, 4 đại diện của AFF được đề xuất là Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore.
Cơ sở vật chất đáng mơ ước
Một quốc gia muốn nộp đơn xin đăng cai World Cup phải đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt của FIFA. Cụ thể, sẽ có 3 hạng mục để FIFA xét duyệt hồ sơ xin đăng cai.
Trong đó, hạng mục thứ 3 và không kém phần quan trọng chính là báo cáo đánh giá kỹ thuật: đánh giá khả năng của quốc gia nộp đơn xin đăng cai trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng và tiện nghi thương mại cần thiết để tổ chức World Cup.
Do quy mô lớn về tài chính và vật chất của World Cup, các quốc gia phải chứng minh rằng họ cung cấp đủ sân vận động chất lượng, dịch vụ và kinh nghiệm tổ chức một sự kiện lớn.
Đó là lí do Nhật Bản chọn Thái Lan, Indonesia, Malaysia, và Singapore - bốn nước Đông Nam Á có sân vận động và cơ sở vật chất tốt đề cùng trình hồ sơ xin đăng cai World Cup 2046.

Sân vận động Gelora Bung Karno cực kỳ hiện đại của Indonesia - Ảnh: N.K
Thái Lan có sân vận động quốc gia Rajamangala có sức chứa 70.000 chỗ ngồi. Indonesia thậm chí có đến hai sân vận động lớn Jakarta (82.000 chỗ) và Gelora Bung Karno (gần 80.000 chỗ).
Malaysia có sân vận động quốc gia Bukit Jalil có sức chứa gần 90.000 chỗ ngồi. Singapore có sân vận động quốc gia có sức chứa 55.000 chỗ ngồi.
Đó là chưa kể bốn nước này còn có một loạt sân vận động khác hiện đại không kém, có sức chứa từ 30.000 đến 50.000 chỗ ngồi, cùng nhiều sân tập đạt chuẩn châu Á và thế giới.
Trông người mà ngẫm đến ta
Malaysia vừa phá dỡ sân vận động Shah Alam (sức chứa hơn 80.000 chỗ) do xuống cấp để xây một sân vận động mới dự kiến hoàn thành vào năm 2029. Sân mới có sức chứa nhỏ hơn (35.000-45.000 chỗ) nhưng cực kỳ hiện đại với mái che tự động hóa, cùng hệ thống kiểm soát độ ẩm trong sân.

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình giờ đã xuống cấp và lạc hậu - Ảnh: N.K
Còn Việt Nam? Chúng ta chỉ có mỗi sân vận động quốc gia Mỹ Đình (hơn 40.000 chỗ) là có sức chứa nhất.
Nhưng sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã xuống cấp nặng nề và kiến trúc lạc hậu rất nhiều so với các sân vận động trong khu vực. Việc cải tạo cũng gặp nhiều vướng mắc về ngân sách, quản lý và thủ tục đầu tư.
Cơ sở vật chất dành cho thể thao là điều vừa yếu vừa thiếu của Việt Nam hàng chục năm nay. 22 năm qua, Việt Nam chỉ có đúng mỗi sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Ngay như đầu tàu kinh tế của cả nước như TP.HCM mà đến giờ vẫn chưa có một sân vận động lớn và hiện đại xứng tầm. Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc - nơi quy hoạch sân vận động 50.000 chỗ ngồi đến giờ vẫn chỉ là quy hoạch treo sau hơn 30 năm.
Sân bãi chất lượng không có, tham dự World Cup hay liên minh tổ chức World Cup chỉ mãi sẽ là giấc mơ với bóng đá Việt Nam.

Sân vận động quốc gia Bukit Jalil đẳng cấp của Malaysia - Ảnh: N.K

Sân Wibawa hiện đại với 30.000 chỗ của Indonesia - Ảnh: N.K

Sân Pakansari sức chứa 30.000 chỗ của Indonesia - Ảnh: N.K

Sân Patriot sức chứa 30.000 chỗ của Indonesia - Ảnh: N.K