Gặp nhau trên chuyến bay nhờ tấm vé giá rẻ, hai du khách đã nên duyên vợ chồng và sống hạnh phúc suốt 40 năm.
Tháng 2/1982, Vickie Moretz, 22 tuổi, lần đầu rời miền nam nước Mỹ để tới London, Anh, tham gia chương trình thực tập sau khi tốt nghiệp đại học. Chuyến đi đánh dấu cột mốc đặc biệt - không chỉ vì đây là lần đầu cô ra nước ngoài, mà còn gặp được chồng tương lai trên máy bay.
Đi cùng Vickie là bạn thân cô, Sandra. Họ đặt vé loại standby - dạng vé không đảm bảo chắc chắn sẽ có ghế (khi hãng bán vé vượt số lượng ghế) của hãng World Airways. Do lần đầu đi máy bay, hai cô gái không có kinh nghiệm, họ thậm chí không hiểu "vé standby" khi đó là gì nhưng vẫn đặt mua vì giá rất rẻ.
Khi ra sân bay, hai cô gái bật khóc tại quầy check in vì nhận ra chỉ một trong hai người được lên máy bay do hết ghế, và Sandra được lên máy bay trước. "Đây là lần đầu chúng tôi ra nước ngoài, không ai đủ can đảm đi một mình", Vickie nói. Vài phút sau, nhân viên thông báo tin vui: Vickie cũng được lên và vé của cô là tấm vé vớt cuối cùng trong chuyến bay đó. Hai cô gái được xếp ngồi cạnh nhau trên máy bay. Ngồi cùng hàng với họ khi đó là Gramham, một chàng trai người Anh đã rong ruổi khắp nước Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học và đang trên đường quay trở về nhà ở miền bắc nước Anh.
Ba người trò chuyện rôm rả suốt chuyến bay. Graham chia sẻ về nước Anh, trong khi hai cô gái kể về tuổi thơ ở miền nam nước Mỹ. Vickie ấn tượng với Graham bởi sự thân thiện, hài hước và kiến thức phong phú. Nhờ anh, chuyến bay đầu tiên qua Đại Tây Dương của cô trở nên đáng nhớ.
Vừa đặt chân đến London trong cơn mưa phùn tháng 2/1982, Vickie Moretz không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thành phố xa lạ. Cô và bạn thân Sandra được người bạn mới quen trên máy bay dẫn đường, giúp mang hành lý và giới thiệu những điều đầu tiên về nước Anh. Hai cô gái thậm chí đã gây náo động cả toa tàu trên đường từ sân bay về thành phố vì không ngừng cười nói, chỉ trỏ mọi thứ họ nhìn thấy qua cửa sổ. "Mọi người trên tàu đã cười vì sự phấn khích của chúng tôi", nữ du khách Mỹ nói.
Trước khi tạm biệt để về thăm gia đình, Graham đãi hai cô gái tách trà Anh đầu tiên. Cuộc chia tay khiến Vickie bất ngờ xúc động: "Anh ấy như người bạn thân thiết nhất của chúng tôi. Tôi không muốn anh ấy đi."
Cô đề nghị chụp ảnh kỷ niệm. Bức ảnh đầu tiên tại London ghi lại khoảnh khắc Vickie và Graham vô thức khoác vai nhau, tay chạm nhẹ, đầu tựa gần. "Khi xem lại, tôi mới nhận ra tay chúng tôi chạm sát nhau, khác với bức ảnh của anh ấy với Sandra", cô nói. Vickie lúc đó không nghĩ đến chuyện tình cảm với Graham nhưng cuộc gặp tình cờ ấy đã mở ra hành trình yêu đương kéo dài suốt 40 năm.
Vickie và Graham chụp bức ảnh đầu tiên cùng nhau tại London vào năm 1982. Ảnh: CNN
"Tôi không biết standby là gì, chỉ biết mình mua được vé rẻ. Không ngờ nhờ tấm vé ấy mà tôi gặp được tình yêu đời mình", Vickie nhớ lại.
Tuần đầu làm dọn phòng tại khách sạn (theo chương trình thực tập) khiến Vickie choáng ngợp. Cô học quản trị kinh doanh và khoa học máy tính, chưa từng dọn giường ở nhà, nay phải làm quen với công việc hoàn toàn mới. Nhưng điều khiến cô mong chờ nhất là cuối tuần, ngày Graham hứa sẽ quay lại.
Giữ đúng lời hứa, Graham trở lại London, đưa hai cô gái đi tham quan thành phố. Họ cùng bạn anh, Jim, dành cả ngày đẹp trời để khám phá bảo tàng, ăn cá chiên khoai tây, và tạo nên một tình bạn "tự nhiên như đã quen từ lâu".
"Tôi không ngờ một bức ảnh và một lời hứa quay lại hôm đó lại mở ra hành trình 40 năm bên nhau", Vickie chia sẻ.
Tuy nhiên, lúc đó, Vickie vẫn nghĩ Sandra có cảm tình với Graham. Cô mừng cho bạn và hiểu lý do vì sao Sandra lại thích anh. Cô nhận xét Graham là người đáng mến, ấm áp và có đôi mắt xanh lấp lánh.
Chiều cuối tuần đó, cả nhóm đến Portobello Road, khu chợ đường phố nổi tiếng thế giới với hàng loạt quầy bán đồ cổ, trái cây, rau củ và đủ thứ khác.
Khi đi thang cuốn rời khỏi ga tàu điện ngầm, Vickie và Graham đứng cạnh nhau, còn Sandra và Jim ở phía dưới giữa dòng người đông đúc. Đột nhiên, một người phụ nữ đứng phía trước họ quay lại nhìn. Ban đầu cả hai không để ý, mải mê trò chuyện, cho đến khi bà ấy nói: "Các bạn sẽ là một cặp đôi tuyệt vời và mãi mãi bên nhau". Câu nói của người phụ nữ xa lạ khiến hai người trẻ bối rối nhìn nhau, và suýt vấp thang cuốn. Lúc đó, họ chỉ thấy buồn cười nhưng lời tiên đoán bất ngờ ấy dường như đã thay đổi điều gì đó bên trong hai người.
"Tối hôm đó, chúng tôi đã nắm tay nhau", Vickie kể. Ngày đầu tiên họ nắm tay là 6/3/1982. Ngày 4/7 cùng năm đó họ đính hôn và 28/12 kết hôn. Khi đó, vợ chồng họ nghĩ mọi chuyện diễn ra "như trò đùa". Nhưng nhiều năm về sau, khi nhìn lại, Graham tin rằng đó là bước ngoặt.
Bố mẹ Graham từng lo lắng khi anh một mình du lịch nước Mỹ. Mẹ anh đặc biệt sợ con vướng vào các giáo phái lạ nhưng bà không thể ngờ con trai mình lại gặp một cô gái Mỹ trên máy bay và yêu ngay từ lần đầu.
"Họ sốc khi thấy chúng tôi đã nghiêm túc như vậy", Vickie nhớ lại.
Cả hai cố gắng tận dụng tối đa thời gian bên nhau tại Anh vì biết rằng Vickie sẽ sớm quay về Mỹ. Điều đó khiến họ thúc đẩy mối quan hệ nhanh chóng. Họ thường ngồi bên nhau trong khu vườn Bloomsbury Square gần khách sạn Vickie làm việc, nói chuyện về tương lai. Tại đó, mọi thứ với họ đều trở nên bình yên.
Vickie hỏi ý kiến Sandra, liệu kết hôn quá sớm có sai lầm không? Sandra khẳng định cô làm điều đúng đắn vì thấy hai bạn rất hợp nhau.
Trong thời gian ở London, Vickie viết thư về nhà ở Tennessee thay vì gọi điện - vì chi phí quốc tế quá đắt. Cô kể về Graham và việc họ đang nghĩ đến hôn nhân. Mẹ Vickie không phản đối vì tin vào quyết định của con.
Gia đình Graham lo chuyện yêu xa có thể ảnh hưởng sự nghiệp luật sư tương lai của anh, nhưng khi thấy tình cảm của con trai, họ cũng ủng hộ.
Ngày 4 /7 - Quốc khánh Mỹ - Graham quỳ gối cầu hôn. Sau khi đính hôn, Vickie trở về Mỹ vào tháng 9. Tháng 12/1982, họ tái ngộ và tổ chức lễ cưới tại Bristol, bang Virginia. Graham gặp toàn bộ gia đình Vickie chỉ vài ngày trước lễ cưới. Gia đình cô cũng gặp cha mẹ anh trong tuần trọng đại ấy.
Sau khi cưới, họ chuyển về Anh để Graham hoàn tất chương trình luật. Hai năm sau, họ quay lại Mỹ định cư và nuôi dạy hai con theo phong cách hòa trộn văn hóa: lễ Giáng sinh kiểu Anh, những chuyến về thăm gia đình tại Anh, nhưng sống phần lớn tại Mỹ.
Năm 2022, họ trở lại London, ghé thăm toà nhà từng là khách sạn nơi Vickie làm việc, giờ đã chuyển thành chung cư, nhưng quản lý vẫn để họ vào nhìn lại sảnh.
"Hầu như không còn gì như xưa, nhưng nơi này gợi lại rất nhiều kỷ niệm", nữ du khách Mỹ chia sẻ.
Cả hai ngồi lại công viên Bloomsbury, nơi họ từng nói về chuyện cưới xin. Cảm giác như thời gian quay ngược. Họ gặp nhau khi cùng 22 tuổi, cưới khi vừa 23 và đã sống bên nhau hơn 40 năm. "Thời gian trôi nhanh quá", Graham nói.
Ngày nay, mỗi khi bay cùng nhau, Graham thường đeo tai nghe và đọc sách, không trò chuyện với ai. "Anh ấy giờ rất đúng kiểu người Anh rồi", Vickie đùa. Nhưng mỗi chuyến bay lại nhắc họ nhớ về chuyến đi định mệnh năm 1982 - nơi hai chiếc vé standby đã kết nối hai con người xa lạ.
"Cuộc gặp ấy quá kỳ diệu. 40 năm sau, chúng tôi vẫn bên nhau", Vickie nói.
Anh Minh (Theo CNN)