Mục sở thị kỹ nghệ ngàn năm ở làng nghề
laodong July 23, 2025 01:35 AM
Hà Nội - Làng Chuôn Ngọ lưu truyền nghề khảm trai từ đầu thời Lý. Ngôi làng như một chương trình thực cảnh, nơi nghệ nhân “múa” dao trên gỗ.
Kỹ nghệ nghìn năm
Nằm bên bờ sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, làng Chuôn Ngọ thuộc xã Chuyên Mỹ. Ngôi làng này được coi là nơi phát tích nghề khảm trai của Việt Nam, một trong bách nghệ của thành Thăng Long xưa.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Chủ tịch Hội khảm trai Phú Xuyên cho biết, theo sử sách, nghề khảm trai được tướng quân triều Lý là ông Trương Công Thành truyền dạy cho người dân Chuôn Ngọ từ thế kỷ XI. Kể từ đó, nhiều sản phẩm của làng đã được xếp vào nhóm thất bảo ngự dụng.
Sau gần nghìn năm phát triển, đến nay, toàn xã Chuyên Mỹ có hàng nghìn thợ tham gia nghề khảm. Tùy tay nghề, thợ khảm trai có thu nhập 6-15 triệu đồng/tháng.
Là nghề yêu cầu kỹ năng cao, một người muốn học khảm trai thường mất 5-10 năm mới được coi là cứng tay, còn muốn giỏi thì phải không ngừng sáng tạo suốt cuộc đời. Nhiều người nơi khác đã đến Chuôn Ngọ học nghề, rồi khai chi tán diệp nghề khảm trai đi khắp Bắc Nam.
“Sản phẩm của làng rất đa dạng, từ những mẫu mã truyền thống như hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ chè. Tranh treo tường có các mẫu phổ biến như bộ “Tùng - Cúc - Trúc - Mai” hay “Vinh quy bái tổ”...
Gần đây các xưởng còn nhận khảm tranh chân dung hoặc theo chủ đề khách đặt. Tùy mẫu mã, chất lượng nguyên liệu mà sản phẩm khảm trai có giá từ vài triệu đồng đến hàng tỉ đồng”, ông Quang chia sẻ.
Nghệ nhân ở Chuôn Ngọ cho biết, nghề khảm chủ yếu chỉ dùng 4 công cụ, một chiếc cưa, một chiếc đục, một chiếc dũa và một con dao tỉa. Nguyên liệu cũng chỉ đơn giản 3 thứ là gỗ và vỏ trai và sơn mài.
Đồ khảm Chuôn Ngọ được đánh giá cao vì những chi tiết vỏ trai được cắt tỉ mỉ, sinh động nhưng nguyên vẹn, không vỡ vụn. Để làm được điều đó, trước khi thao tác nghệ nhân phải ngâm mảnh trai.
Với những dòng hàng phổ thông giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, nguyên liệu sẽ là gỗ gụ và vỏ trai trong nước. Hàng giá trăm triệu đồng đến tiền tỉ sẽ được dùng nguyên liệu gỗ trắc và vỏ trai nhiều màu nhập khẩu.
“Đồ khảm chủ yếu dùng gỗ trắc, gụ và đặc biệt là gỗ mun, vì vân bé, làm nổi lên chi tiết khảm, gỗ lim dù quý nhưng không phù hợp. Vỏ trai trong nước có giá vừa phải, nhưng màu sắc không quá đẹp mắt.
Vỏ trai nhập khẩu loại đắt có giá đến 600 triệu đồng/kg, nhưng màu sắc rực rỡ, phù hợp làm hàng cao cấp”, nghệ nhân Nguyễn Bá Tuệ ở làng Chuôn Ngọ cho biết.
Một sản phẩm khảm hoàn thiện cần trải qua các công đoạn từ vẽ mẫu, chọn lựa vỏ trai và cưa phôi, ướm phôi và đục gỗ, dán mảnh trai vào gỗ, cuối cùng là tỉa và đánh bóng.
Thường mỗi thợ chỉ học chuyên sâu một công đoạn trong suốt đời nghề, vì vậy mỗi sản phẩm đều là công sức chung của tập thể. Có những tác phẩm nhóm nghệ nhân phải cùng nhau làm đến nửa năm mới ưng ý.
Cả làng như chương trình thực cảnh nghệ thuật
Dọc các đường làng ở Chuôn Ngọ, xưởng khảm trai nối nhau liên tiếp, râm ran tiếng cưa đục. Những tác phẩm hoàn thiện được trưng bày khéo léo khiến cả làng như một bảo tàng sống động.
Xưởng ở ngay đầu làng, như mọi ngày, nghệ nhân Dương Văn Hiểu vẫn cặm cụi cưa những mảnh vỏ trai và đón nhận sự trầm trồ của du khách.
Học khảm từ 10 tuổi, nay đã gần 30 năm trong nghề, ông Hiểu tự tin có thể làm tốt mọi công đoạn để ra một sản phẩm khảm đẹp.
“Tôi có thể cưa một đường, biến mảnh vỏ trai thành sợi chỉ dài mà không gãy, đây là kỹ thuật cực kỳ khó. Tôi cũng từng phụ trách hoàn thiện những tác phẩm bán được trên 1 tỉ đồng”, ông Hiểu chia sẻ.
Dù vậy, theo ông Hiểu, tay nghề của ông vẫn không thuộc nhóm số má ở trong làng. Ông cho biết nghệ nhân khảm trai khoảng 50 tuổi mới là lúc tay nghề chín nhất.
“Muốn làm sản phẩm đẹp thì tư duy phải tốt để nghĩ ra mẫu mã riêng biệt, mắt phải tinh để nhìn được tiểu tiết. Nhưng quan trọng nhất là đôi tay, vừa phải mềm mại để vẽ ra những hoa văn sinh động, lại vừa phải chắc chắn để khi cưa đục không rung. Yêu cầu của nghề rất cao, lại chủ yếu làm thủ công, nên khi mắt bắt đầu mờ, tay bắt đầu run là phải nghỉ”, ông Hiểu nói thêm.
Theo các nghệ nhân ở Chuôn Ngọ, từ khoảng sau năm 1990, sản phẩm của làng rất được khách châu Âu và Trung Quốc ưa chuộng. Nhiều dòng sản phẩm mới mẻ ra đời, bé có thể là ống tăm, ống đũa, chiếc đĩa, chiếc hộp khảm, lớn là những bức tranh lưu niệm với nội dung cảnh sắc quê hương.
Đặc biệt thời gian gần đây khách quốc tế rất ưa chuộng tranh khảm chân dung Bác Hồ. Dòng tranh chân dung cũng được các thợ khảm Chuôn Ngọ đánh giá là khó, yêu cầu tay nghề cao nhất.
 
© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.