Lười uống nước, nhịn tiểu - sát thủ âm thầm gây suy thận
VnExpress July 23, 2025 09:45 AM

Suốt nhiều năm, Thành, 28 tuổi, uống rất ít nước và nhịn tiểu để không gián đoạn công việc, cho đến ngày được chẩn đoán suy thận.

Nam thanh niên làm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, ở Hà Nội, cho biết mỗi ngày chỉ uống khoảng 500-700 ml nước, thay vì mức tối thiểu 1,5-2 lít. Có hôm, anh còn quên uống cả buổi chiều vì quá tập trung làm việc. "Phòng làm việc bật điều hòa mát lạnh nên tôi cũng ít cảm thấy khát", Thành nói.

Chàng trai còn thói quen uống cà phê đặc mỗi sáng. Dù thi thoảng thấy nhức đầu, mệt mỏi hay đi tiểu vàng đậm, Thành vẫn chủ quan, nghĩ là mệt mỏi do công việc. Sau nhiều tuần bị đau âm ỉ vùng thắt lưng và tiểu ít, Thành đến Bệnh viện Đại học Y kiểm tra. Kết quả chẩn đoán suy thận giai đoạn đầu khiến anh sốc nặng, chỉ số creatinine tăng - chức năng lọc của thận giảm rõ rệt.

Bệnh nhân nói ngoài uống ít nước, anh còn thói quen nhịn tiểu thường xuyên. Bác sĩ nhận định điều này khiến thận bị tổn thương. Nhịn tiểu khiến nước tiểu ứ đọng bàng quang, dễ nhiễm khuẩn ngược dòng lên thận. Thành được điều trị thuốc và tư vấn thay đổi thỏi quen sống.

Trường hợp của Thành không phải cá biệt. Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng Khoa Nội Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ bị suy thận vì chỉnh thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, uống ít nước, nhịn tiểu. Như cô gái 20 tuổi từng thú nhận: "Chỉ khi nào khát mới uống nước lọc, thay vào đó là thường xuyên uống cà phê, trà đặc".

Cuộc sống của cô xoay quanh công thức ngày học, đêm làm việc, ăn uống qua loa bằng bánh mì, xúc xích, mì trộn. Khi xuất hiện dấu hiệu tiểu buốt rắt, cô chỉ nghĩ do căng thẳng, tự mua thuốc kháng sinh tại hiệu thuốc uống.

Gần đây, cô thấy buồn nôn, mệt mỏi, mất ngủ, thay đổi vị giác nên mới đến viện. Bác sĩ Thanh chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, chức năng thận chỉ còn dưới 10%, cần phải điều trị thay thế thận sớm, chờ cơ hội được ghép thận.

Bác sĩ nhận định chính lối sống thiếu khoa học là tác nhân quan trọng, một trong số đó là thói quen uống không đủ nước, thường xuyên nhịn tiểu.

Việt Nam hiện có khoảng 8,7 triệu người mắc bệnh thận mạn tính, chiếm 12,8% dân số trưởng thành. Đáng lo ngại, tỷ lệ người trẻ dưới 40 tuổi mắc bệnh đang tăng nhanh. Tại các trung tâm thận nhân tạo lớn như Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân trẻ chiếm 20-30% số ca chạy thận định kỳ.

Suy thận đặc biệt nguy hiểm vì không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Nhiều người trẻ khỏe mạnh chỉ phát hiện bệnh tình cờ khi kiểm tra sức khỏe tổng quát. Khi xuất hiện các dấu hiệu như phù, tiểu ít, buồn nôn và mệt mỏi, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng. Lúc này, việc điều trị chỉ còn là duy trì chức năng thận còn lại mà không thể phục hồi hoàn toàn.

Ngoài các bệnh lý thận, tăng huyết áp và đái tháo đường, lối sống thiếu khoa học, đặc biệt là hai thói quen uống ít nước và nhịn tiểu là nguyên nhân gây suy thận.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Kim Oanh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, cho biết thận cần đủ nước để lọc máu và thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Khi lượng nước đưa vào không đủ, nước tiểu bị cô đặc làm tăng nguy cơ kết tinh thành sỏi, đồng thời giảm khả năng loại bỏ độc tố.

Nhiều người chỉ uống nước khi cảm thấy khát, trong khi cảm giác khát là dấu hiệu muộn của mất nước. Uống ít nước kéo dài cũng khiến lưu lượng máu đến thận suy giảm, làm tổn thương mô thận và gây suy thận mạn. Có người thay nước lọc bằng cà phê, trà đặc hoặc nước ngọt, nước tăng lực, các loại đồ uống này có thể gây lợi tiểu nhẹ, làm tăng nguy cơ mất nước mạn tính nếu không bù đủ nước lọc. Caffeine, đường và các chất phụ gia cũng làm tăng gánh nặng chuyển hóa cho thận.

Nghiên cứu đăng trên American Journal of Nephrology cho thấy người uống ít hơn một lít nước mỗi ngày có nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn 50% so với người uống đủ nước. Bác sĩ George Bakris, chuyên gia thận học tại Đại học Chicago (Mỹ), cho hay thói quen đợi đến khi khát mới uống nước có thể làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu và khiến thận phải gồng mình lọc độc tố.

Theo khuyến nghị, cơ thể cần bổ sung 2-3 lít nước mỗi ngày để duy trì thận khỏe mạnh. Tuy nhiên, khảo sát thực tế tại các thành phố lớn cho thấy chỉ khoảng 1/3 người trẻ uống đủ lượng nước này. Sự thiếu hụt kéo dài làm tăng độ đậm đặc nước tiểu, thúc đẩy kết tủa khoáng và hình thành sỏi.

Ngoài ra, thói quen nhịn tiểu phổ biến ở dân văn phòng cũng khiến nước tiểu bị giữ lâu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận, theo bác sĩ Mai Văn Lực, khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E.

Cụ thể, bàng quang có chức năng như một bể chứa nước tiểu, sẽ giãn rộng ra khi đầy nước tiểu và xẹp xuống khi trống rỗng. Bàng quang bình thường ở người lớn khỏe mạnh có thể chứa 500 ml nước tiểu.

Tuy nhiên, một người thường có cảm giác buồn tiểu và đi tiểu khi thể tích nước ở bàng quang đạt 300-400 ml. Một ngày thông thường với lượng nước ăn, uống vào bình thường chúng ta đi tiểu không quá 6-7 lần.

Khi bạn nhịn tiểu thường xuyên hoặc quá lâu, nước tiểu có thể trào ngược lên thận, gây viêm thận mạn tính và tiềm ẩn nguy cơ suy thận. Đồng thời, việc này tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trong bàng quang, dẫn đến viêm bàng quang và thậm chí là viêm thận bể thận cấp nếu vi khuẩn ngược dòng lên thận.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng những thói quen sinh hoạt tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lặp đi lặp lại có thể gây ra hậu quả lớn cho thận. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe thận, ngoài việc uống đủ nước và ăn uống điều độ, điều quan trọng là phải nhận biết và điều chỉnh kịp thời các thói quen tiểu tiện hàng ngày.

Thúy Quỳnh

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.