Đánh thức tiềm năng du lịch Vĩnh Long
laodong July 23, 2025 10:18 PM

Vĩnh Long - Sau sáp nhập, địa phương khai thác lợi thế miệt vườn, sông nước, biển đảo để phát triển du lịch bền vững và thu hút du khách.
Vĩnh Long mới, trải nghiệm mới
Sau sáp nhập, Vĩnh Long mang đến trải nghiệm mới lạ, kết nối cảnh sắc sông nước miệt vườn với biển khơi, khiến nhiều du khách ngạc nhiên và thích thú.
Bà Lê Thanh Thảo (TP.HCM) cho biết, trước đây bà từng cùng gia đình đến Vĩnh Long vài lần nhưng trải nghiệm chủ yếu chỉ gói gọn trong các khu miệt vườn, tham quan nhà cổ, ăn trái cây.
Trong chuyến du lịch Vĩnh Long mới đây, bà trải nghiệm ngắm biển, ăn hải sản và khám phá vùng ven biển hoang sơ. Điều ấn tượng là hành trình rất thuận tiện. Chỉ vài tiếng di chuyển nhưng cảnh quan thay đổi rõ rệt, tạo nên chuyến đi thú vị, không hề nhàm chán.
“Nếu tỉnh tiếp tục đầu tư thêm các điểm dừng chân ven biển và giữ được sự thân thiện, mộc mạc của người dân địa phương thì tôi nghĩ Vĩnh Long sẽ còn hút khách hơn nữa”, bà Thảo chia sẻ thêm.
Ông Trần Minh Quân (Hà Nội) ngạc nhiên khi vài tiếng di chuyển mà cảnh quan thay đổi liên tục – từ kênh rạch rợp bóng dừa đến bãi biển lộng gió.
“Vĩnh Long sau sáp nhập hấp dẫn hơn nhờ hành trình linh hoạt, dịch vụ tốt nhưng vẫn giữ được chất mộc mạc miền Tây. Không gian mở rộng giúp hình thành thêm nhiều điểm đến”, ông Quân cho biết thêm.
Trao đổi với Lao Động, ông Lâm Hữu Phúc – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL – cho biết, sau sáp nhập, tỉnh có thêm hơn 130km bờ biển, mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch toàn diện, kết nối giữa biển, miệt vườn và bản sắc văn hóa dân tộc.
Vĩnh Long đang định hướng xây dựng sản phẩm du lịch ‘ba trong một’, kết hợp giữa sông nước miệt vườn, văn hóa Khmer đặc trưng và lợi thế biển đảo. Đây là sự khác biệt so với các tỉnh lân cận, giúp tăng tính cạnh tranh trên bản đồ du lịch khu vực và cả nước.
Theo ông, ngoài các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển, khám phá rừng ngập mặn và văn hóa ngư dân, tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển bền vững, gắn du lịch với bảo tồn môi trường và giá trị truyền thống.
Du lịch biển còn tạo sức lan tỏa, thúc đẩy các ngành lưu trú, ẩm thực, vận tải, thủ công phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và động lực nâng cấp hạ tầng.
“Chúng tôi hướng tới một hành trình trải nghiệm liền mạch từ miệt vườn ra biển, vừa gần gũi, vừa hấp dẫn, để giữ chân du khách lâu hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Phúc nói.

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.