Giá đất nền phía Nam vẫn neo cao
VnExpress July 24, 2025 04:05 AM

Dù nhu cầu mua giảm và thanh khoản kém sau cơn sốt sáp nhập tỉnh, mặt bằng giá đất nền tại TP HCM và các tỉnh phía Nam vẫn ở mức cao.

Theo báo cáo quý II của chuyên trang Batdongsan, sau giai đoạn tăng nóng nhờ kỳ vọng vào sáp nhập đơn vị hành chính, thị trường đất nền bước vào giai đoạn điều chỉnh rõ rệt. Trong quý II, lượt tìm kiếm đất nền trên cả nước giảm 19% so với quý trước - mức giảm sâu nhất trong các phân khúc bất động sản.

Tại TP HCM (cũ), nhu cầu mua đất nền giảm 28%, trong khi các địa phương phía Nam khác như Tây Ninh (Long An cũ), Bình Dương và Đồng Nai cũ cũng ghi nhận lượt tìm kiếm giảm 30-33%. Cùng với đó, lượng tin đăng rao bán đất nền giảm từ 3-9%, cho thấy cả người bán lẫn người mua đều đang thận trọng hơn.

Không chỉ nhu cầu giảm, thanh khoản thị trường cũng xuống thấp. Báo cáo của DKRA Group cho biết trong quý II, toàn khu vực phía Nam chỉ tiêu thụ được 446 nền đất trên tổng nguồn cung sơ cấp khoảng 6.415 nền, tỷ lệ hấp thụ vỏn vẹn 7%. Hơn 95% nguồn hàng mở bán là sản phẩm tồn kho từ các quý trước, phần lớn có giá dao động từ 9-70 triệu đồng mỗi m2. Chỉ khoảng 5% là hàng mới và mức giá cũng không hề thấp.

Tuy nhiên, nghịch lý là trong bối cảnh giao dịch chững lại, mặt bằng giá đất nền không những không giảm mà còn tiếp tục duy trì ở vùng cao. Theo Batdongsan ghi nhận, trong tháng 3, giá đất nền tại một số khu vực phía Nam đã tăng bình quân 30-40%. Tuy nhiên, sau cơn sốt sáp nhập tỉnh, giá đất chỉ giảm nhẹ tầm 10-15% trên nền giá đã tăng và neo ở khoảng khá cao so với cùng kỳ 2024.

Còn giá đất nền tại các khu vực TP HCM (Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ), Tây Ninh (Long An cũ), Đồng Nai, Cần Thơ hiện vào khoảng 16-31 triệu đồng mỗi m2, tăng trung bình 18-25% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo DKRA Group, nhiều dự án đất nền thậm chí vẫn đang tăng khoảng 4-7% so với quý trước, bất chấp thanh khoản vẫn còn khó khăn.

Báo cáo của VARS cũng ghi nhận mức tăng giá đất nền phổ biến từ 30-40% trong giai đoạn đầu năm tại nhiều khu vực nhờ hiệu ứng sáp nhập tỉnh. Từ tháng 5 thị trường bắt đầu điều chỉnh, nhưng giá bán trên thị trường sơ cấp gần như không giảm, do phần lớn chủ đầu tư đã "găm hàng" và không chịu hạ giá, trong khi giao dịch thứ cấp lại ảm đạm.

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, thị trường đất nền hiện đã chuyển sang trạng thái "nghe ngóng", nhà đầu tư không còn chủ động săn hàng như giai đoạn đầu năm. Nếu quý I ghi nhận sự tăng mạnh cả về cung lẫn cầu, từ sau đợt "thoát hàng" đầu tháng 4, giao dịch gần như chững lại.

Một khảo sát của Batdongsan cho thấy, chỉ khoảng 19% nhà đầu tư có ý định mua đất nền trong các tháng còn lại của năm, trong khi gần 40% đánh giá thị trường quý II ảm đạm hơn quý trước. Phần lớn tâm lý này xuất hiện ở khu vực phía Nam, nơi từng là tâm điểm của cơn sốt hồi tháng 3 và 4.

Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra, giá đất nền từng tăng tới 40% chỉ trong vài tuần đầu năm, do nhà đầu tư kỳ vọng việc sáp nhập tỉnh và điều chỉnh quy hoạch hành chính sẽ giúp nâng giá trị tài sản. Có dự án tăng giá tới 10% chỉ sau một đêm mà vẫn bán được. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4 trở đi, thị trường bắt đầu hạ nhiệt nhanh chóng, đặc biệt ở các khu vực ngoài vùng quy hoạch trọng điểm.

Ngoài yếu tố kỳ vọng sáp nhập tỉnh, thị trường đất nền còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác. Theo ông Tuấn, những thông tin liên quan đến đề xuất đánh thuế bất động sản, chính sách thắt chặt tín dụng, chi phí vay vốn cao và kỳ nghỉ lễ kéo dài cuối tháng 4 đều tác động tiêu cực đến tâm lý người mua. Đồng thời, hơn 75% nhà đầu tư đất nền thừa nhận phải vay từ 30–70% giá trị tài sản, trong khi ngân hàng hiện vẫn thận trọng với các khoản vay mang tính đầu cơ. Đất nền là phân khúc phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tài chính, vì vậy khi lãi suất chưa thực sự giảm mạnh và chính sách chưa rõ ràng, thị trường sẽ khó sớm phục hồi mạnh về thanh khoản.

Về việc mặt bằng giá đất nền vẫn khó giảm, theo chuyên gia một phần do nhà đầu tư không chịu xả hàng cắt lỗ, phần khác đến từ chi phí đầu vào cao và kỳ vọng dài hạn vào hạ tầng – quy hoạch. Tình trạng mất cân đối cung - cầu khiến giá sơ cấp tiếp tục neo ở vùng cao, đặc biệt tại các dự án đã hoàn thiện pháp lý.

Dự báo trong quý III, theo DKRA Group nguồn cung đất nền có thể tăng nhẹ so với quý II, với khoảng 450-550 sản phẩm mở bán mới. Long An (cũ), Bình Dương (cũ), Đồng Nai (cũ) và các dự án bước vào giai đoạn tiếp theo vẫn được kỳ vọng là nguồn cung chủ lực. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ như nới lỏng tín dụng, giảm thuế phí và thúc đẩy giải ngân đầu tư công có thể giúp cải thiện sức mua, nhất là ở phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực. Thị trường thứ cấp cũng được dự báo sẽ tích cực hơn về thanh khoản và giá bán trong quý III, nhờ các dự án pháp lý hoàn thiện và có mức độ tạo thị tốt. Tuy vậy, xu hướng đầu tư ngắn hạn lướt sóng nhiều khả năng sẽ chưa quay lại sớm, giá đất nền sẽ đi ngang nhưng khó giảm sâu do đã bước vào giai đoạn ổn định từ quý III sau quý II hạ nhiệt.

Phương Uyên

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.