Nói to nơi công cộng do thói quen hay muốn thu hút sự chú ý?
GH News July 27, 2025 04:33 PM
Đáng lẽ ở nơi công cộng phải giữ sự yên tĩnh, trong khi chị cứ thoải mái nói chuyện điện thoại với âm lượng không hề nhỏ, lại còn mở loa ngoài cho mọi người cùng nghe.
công cộng - Ảnh 1.

Tranh: NGUYỄN TUẤN ANH

Tháng rồi, tôi đi tái khám bệnh cao huyết áp ở một bệnh viện tại TP.HCM. Tôi tranh thủ đi thật sớm, ngồi trên băng ghế đá ở phòng chờ làm thủ tục khám.

Mới hơn 6h, tôi quan sát thấy có nhiều người dân đến khám bệnh, mấy hàng ghế không đủ cho bệnh nhân ngồi, có người phải đứng dựa lưng vào tường cho đỡ mỏi.

Xem nơi công cộng như ở nhà mình

Trong sảnh phòng ngồi chờ có vài người nói chuyện điện thoại nhưng họ nói bình thường, nhỏ nhẹ, có khi còn lấy tay che miệng cho tiếng nhỏ đủ nghe.

Nhưng cũng trong không gian công cộng đó, tôi thấy có một chị hết sức vô tư. Dường như chị xem bệnh viện giống như ở nhà mình nên khi nói chuyện điện thoại với âm lượng cảm giác như mở hết cỡ. 

Và đâu chỉ vậy, chị còn mở loa ngoài của điện thoại nên cuộc trao đổi ai cũng có thể nghe tất tần tật, như kiểu nghe radio.

"Sáng nay, mẹ tranh thủ đi thật sớm khám bệnh mà bốc số thứ tự 152, không biết chừng nào mới khám được. Khám xong mẹ lấy được thuốc chắc cũng tới trưa, ở nhà nhớ nấu cơm cho ổng ăn đó".

Nhiều người khó chịu ra mặt, nhìn chị không giữ phép lịch sự tối thiểu trong không gian bệnh viện.

Đáng lẽ ở nơi công cộng này phải giữ sự yên tĩnh, trong khi chị cứ thoải mái nói chuyện điện thoại với âm lượng không hề nhỏ, lại còn mở loa ngoài cho mọi người cùng nghe.

Cuộc sống ở những đô thị lớn, đông đúc như TP.HCM vốn náo nhiệt, ồn ào trên đường, hay ở những nơi công cộng, tập trung đông người, mang lại cảm giác mệt mỏi, nên đôi khi khát khao có được không gian yên tĩnh. 

Thế mà ở nhiều nơi, các cuộc trò chuyện với nhau, hay nghe nói điện thoại diễn ra với "âm lượng mở hết cỡ", hết sức ồn ào.

Tình cảnh mang lại cảm giác khó chịu này không phải là hiếm, diễn ra ở nhiều nơi, từ quán cà phê cho đến những chuyến xe buýt, ga tàu lửa, phòng chờ máy bay... Nếu ai từng đi xe buýt chắc cũng chứng kiến nhiều cuộc điện thoại mà "cả làng cả xóm cùng nghe" họ trao đổi, nói gì với nhau. 

Từ câu chuyện ghen tuông, cho đến những điều không hài lòng về đồng nghiệp, rồi chuyện bất đồng sau những cuộc chè chén của đêm trước…

Do đâu?

Đành rằng ai cũng có quyền tự do của mình nhưng những cuộc trò chuyện với âm lượng hết cỡ chắc chắn không thể tránh khỏi sự phiền toái cho những người xung quanh. 

Chuyện này không chỉ dừng lại ở việc của cá nhân một số người mà đó còn là chủ đề đáng quan tâm trong văn hóa ứng xử nơi công cộng, thậm chí sự phiền toái này đôi khi gây ra sự va đập trong cuộc sống.

Do đâu? Ý thức cá nhân chưa cao? Tôi thấy trước tiên do một số người chưa có thói quen điều chỉnh âm lượng của mình vừa đủ nghe, phù hợp với không gian công cộng.

Nói về thói quen nói to ở khía cạnh văn hóa ứng xử nơi công cộng, có người đặt vấn đề phải chăng nói to để thu hút chú ý, khẳng định vị thế, do thói quen hay đang muốn giải tỏa căng thẳng? 

Cũng có người đề cập đến khía cạnh ảnh hưởng văn hóa. Với một số vùng miền, nói lớn tiếng trong các cuộc trò chuyện là thể hiện sự thân mật, cởi mở.

Trong câu chuyện nói trên, đi cùng với cảm giác phiền toái không phải không có những tranh luận. Một số người cho rằng không phải ai nói to cũng là người cố tình gây phiền hà cho những người xung quanh. 

Trái lại họ đáng nhận được sự cảm thông, rằng "ăn to nói lớn" vốn là phản xạ tự nhiên khi rơi vào trạng thái phấn khích, hoặc họ đang có chuyện lo lắng. Họ đáng được thông cảm hơn là trách móc?

Nhưng nói gì thì nói, rõ ràng nói to nơi công cộng, hay chốn đông người, chắc chắn sẽ gây phiền hà, xáo trộn không gian chung, đặc biệt ảnh hưởng tâm lý của rất nhiều người xung quanh.

Ứng xử sao cho phải khi gặp những cuộc trò chuyện mở âm lượng hết cỡ? Trong một số tình huống bức xúc, bực mình, đôi khi từ ánh mắt thể hiện sự khó chịu, hay chỉ vì một lời nhắc nhở mà có thể nổ ra mâu thuẫn gay gắt, kể cả "tác động vật lý", ẩu đả vì chuyện nói to.

Song cũng có người cho rằng "chuyện thường ngày ở huyện", có đáng gì đâu, thay vì chỉ trích, nặng lời thì mỗi người nên cảm thông, nhắc nhẹ nhau, ra dấu… cần hành xử văn minh, giữ gìn sự yên tĩnh nơi công cộng là đủ.

Ứng xử sao với thói quen nói to nơi công cộng rõ ràng còn tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Còn với những người có thói quen nói to, tốt nhất họ phải biết tôn trọng nguyên tắc sử dụng âm lượng vừa phải nơi công cộng, ở chốn đông người.

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.