'Chịu đau' khi không khí Hà Nội ô nhiễm thứ hai thế giới
VnExpress July 14, 2025 06:28 PM

Hà Nội sáng nay xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí, giữa lúc những tranh luận nổ ra về kế hoạch cấm xe máy xăng từ 7/2026.

Hôm nay, một ngày giữa tháng 7, tôi thức dậy trong một bầu trời Hà Nội mù mịt, không phải vì sương sớm, mà bởi bụi mịn dày đặc đến mức khiến ai cũng cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Sáng 14/7, chỉ số chất lượng không khí AQI của thành phố lên tới 167 – mức có hại cho sức khỏe, xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí. Đó không còn là một lời cảnh báo mà là một hồi chuông báo động.

Trong bối cảnh đó, việc Hà Nội đặt mục tiêu cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 từ tháng 7/2026 là một bước đi táo bạo nhưng rất đáng hoan nghênh. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, và tin rằng đây là quyết định bắt buộc phải làm nếu chúng ta không muốn tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

Theo các chuyên gia, nguồn phát thải từ phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy cũ chạy xăng, là một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí Hà Nội xuống cấp trầm trọng. Hằng ngày, hàng triệu xe máy chen chúc trên các tuyến phố, vừa xả khí thải, vừa khuấy động lớp bụi mịn sát mặt đất, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.

Cấm xe máy chạy xăng, dù chưa giải quyết triệt để, nhưng chắc chắn sẽ giảm đáng kể lượng phát thải độc hại, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm, nơi mật độ dân cư và giao thông dày đặc nhất.

Chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện hoặc phương tiện công cộng không phải là một điều quá xa vời. Nhiều quốc gia phát triển đã và đang làm điều đó. Việt Nam không thể mãi chậm chân nếu muốn phát triển bền vững. Việc Hà Nội bắt đầu từ Vành đai 1 năm 2026, rồi mở rộng ra Vành đai 2 năm 2028, và tiến tới Vành đai 3 năm 2030 là một lộ trình hợp lý, có thời gian để người dân và doanh nghiệp thích nghi.

>> Lộ trình cho lao động nghèo khi Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu

Chẳng nói đâu xa, Trung Quốc từ một quốc gia có lượng xe máy chạy xăng và ô nhiễm đô thị từng ở mức cao nhất thế giới, đã thực hiện chuyển đổi sang xe máy điện từ hơn một thập kỷ trước, và hiện đang là hình mẫu tiêu biểu cho thế giới. Một vài biện pháp đã được nước này thực hiện thành công như:

Bắc Kinh tăng gấp đôi mức trợ cấp cho người mua xe điện, lên 20.000 nhân dân tệ (2.770 USD) trong bối cảnh các biện pháp ban đầu không đạt kỳ vọng tăng trưởng doanh số xe điện. Chính phủ Trung Quốc cũng miễn thuế 5% và giảm 50% phí đăng ký cho xe điện, trong khi chi phí đăng ký biển số xe xăng có thể lên tới hàng chục nghìn USD. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang sử dụng xe điện từ năm 2017, điện hóa taxi...

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng tăng, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng sạc. Tính đến năm 2022, thành phố đã lắp đặt hơn 200.000 trạm sạc tại các khu dân cư, trung tâm thương mại và các điểm công cộng. Ngoài ra, chính quyền còn áp dụng các chính sách hạn chế xe xăng thông qua việc giới hạn biển số mới và áp dụng mức phí cao. Tất cả nhằm thúc đẩy người dân chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện.

Nếu Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân, hệ thống giao thông phức tạp, đã làm được, thì Việt Nam với quy mô nhỏ hơn, áp lực ít hơn, càng có thể làm tốt hơn, nếu có quyết tâm và hành động thực tế. Điều quan trọng bây giờ là Nhà nước cần triển khai chính sách công bằng, rõ ràng, minh bạch. Người dân cần hiểu rõ lợi ích lâu dài và sẵn sàng thay đổi vì một môi trường sống tốt hơn.

Sống trong một thành phố mà buổi sáng ra đường phải đeo khẩu trang chuyên dụng, hạn chế vận động mạnh, trẻ em không được ra ngoài chơi... không phải là điều đáng tự hào. Không khí ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chi phí y tế, năng suất lao động và chất lượng sống của toàn xã hội. Nếu không hành động mạnh tay ngay từ bây giờ, cái giá phải trả trong tương lai sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Cấm xe máy chạy xăng không phải là một bước đi dễ dàng. Sẽ có sự xáo trộn, thậm chí là khó khăn nhất thời. Nhưng đôi khi, để bảo vệ tương lai, chúng ta buộc phải chấp nhận thay đổi ở hiện tại. Tôi ủng hộ quyết định này của Hà Nội. Không chỉ vì bầu không khí hôm nay quá tệ, mà còn vì tôi hy vọng một ngày nào đó, chúng ta có thể hít thở sâu một hơi trong lành giữa lòng thủ đô mà không cần nhìn chỉ số AQI trước khi ra đường.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đến hết năm 2024 Hà Nội có trên 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn (chưa bao gồm xe của cơ quan trung ương). Trong đó thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ôtô và trên 6,9 triệu xe máy. Ngoài ra, còn có khoảng 1,2 triệu ôtô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn. Tốc độ gia tăng phương tiện của Hà Nội nói chung khoảng 4-5%/năm, gấp từ 11 đến 17 lần tốc độ mở rộng đường sá. Đặc biệt, ôtô cá nhân đang tăng khoảng 10%/năm, cao gấp hơn 30 lần tốc độ gia tăng đất dành cho giao thông.

Tran

© Copyright @2025 LIDEA. All Rights Reserved.