Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý từ ngày 1/9 nhưng vẫn được Thủ tướng trực tiếp giao dự toán ngân sách.
Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại học quốc gia do Chính phủ ban hành ngày 11/7 nêu rõ các cơ sở này do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, có tư cách pháp nhân, tài khoản riêng, sử dụng con dấu có hình Quốc huy.
Đây vẫn là đơn vị dự toán cấp I, được Thủ tướng giao ngân sách, thay vì nhận kinh phí thông qua một cấp trung gian như các đại học khác thuộc Bộ.
Về nhân sự, hai đại học thực hiện quy trình, báo cáo để Bộ trình Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc, phó giám đốc. Hai trường được quy định chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên, giao kết hợp đồng lao động với các giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước nhằm thu hút, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong hoạt động đào tạo, đại học quốc gia được xây dựng quy chế; các chương trình đào tạo thực hành, chuyên biệt, đặc biệt, năng khiếu, tài năng để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ.
Với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, hai cơ sở này có quyền đề xuất, thực hiện các chương trình cấp quốc gia, cấp bộ khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng, tổ chức chương trình hợp tác khoa học và công nghệ trong và ngoài nước.
Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) ngày 11/7 nhìn nhận nghị định mới của Chính phủ đã trao quyền tự chủ mạnh mẽ và thực chất, mở rộng không gian phát triển đại học đẳng cấp quốc tế.
"Nghị định mới không chỉ khẳng định vị thế pháp lý và sứ mệnh chiến lược của đại học quốc gia, mà còn là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc phát triển đại học theo hướng nghiên cứu, đổi mới và hội nhập", trích thông báo của Đại học Quốc gia Hà Nội.
VNU cho rằng nghị định mới tạo nhiều thuận lợi để đơn vị này thực hiện vai trò tiên phong để phát triển đột phá trong các lĩnh vực quan trọng của giáo dục đại học.
Cả nước có hai đại học quốc gia Hà Nội và TP HCM do Chính phủ thành lập, lần lượt năm 1993 và 1995, tổng quy mô đào tạo hiện nay khoảng 150.000 sinh viên. Theo quy hoạch, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm Đại học Quốc gia Huế và Đà Nẵng.
Đây là các cơ sở giáo dục đại học công lập, bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn, tổ chức theo hai cấp để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Theo Nghị định 186 và các luật liên quan, đại học quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy; được thí điểm mở các ngành, chuyên ngành mới, ngoài danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo đã được quy định.
Dương Tâm